Đây là lần thứ hai Trung Quốc quyết định khởi kiện EU liên quan đến luật áp thuế xe điện.
Trước đó, ngày 30/10, Bộ Thương mại Trung Quốc cũng đã phản đối kết quả điều tra của Ủy ban châu Âu (EC) về các biện pháp chống trợ cấp đối với xe điện của nước này. Phía Bắc Kinh cho rằng, cuộc điều tra tồn tại nhiều điểm bất hợp lý, không phù hợp với quy định, là hành động bảo hộ dưới danh nghĩa “cạnh tranh công bằng”. Theo đó, Trung Quốc sẽ tiếp tục thực hiện mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của các công ty Trung Quốc.
Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, phía Trung Quốc chủ trương giải quyết tranh chấp thương mại thông qua đối thoại và thương lượng.
Trong quyết định cuối cùng được công bố ngày 29/10, EC xác nhận EU sẽ áp dụng mức thuế mới lên tới 35,3%, cao hơn nhiều so với mức 10% hiện nay đối với ô tô điện nhập khẩu từ Trung Quốc từ ngày 31/10. Cụ thể, thuế đối với các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc sẽ là 17% đối với ô tô của BYD, 18,8% đối với ô tô của Geely và 35,3% đối với ô tô của SAIC thuộc sở hữu nhà nước.
Mức thuế mới này sẽ được kết hợp với mức thuế nhập khẩu hiện hành 10%, khiến một số nhà sản xuất ô tô phải đối mặt với tổng mức thuế lên tới 45,3%. Các quan chức EU cho biết, mức thuế bổ sung này sẽ kéo dài ít nhất 5 năm.
Căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và EU hiện đang leo thang, thậm chí đã lan sang các dòng sản phẩm khác như rượu mạnh, sản phẩm từ sữa và hóa chất.
Trước đó, hồi tháng 8, Trung Quốc đã khởi động cuộc điều tra sau khi bị EU áp mức thuế nặng vào xe điện nhập khẩu từ nước này. Bắc Kinh cho biết đã sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO "để bảo vệ quyền và lợi ích của ngành xe điện, cũng như bảo vệ sự hợp tác toàn cầu trong quá trình chuyển đổi xanh".
Bộ Thương mại Trung Quốc cho rằng, thuế nhập khẩu của EU vi phạm nghiêm trọng các quy tắc của WTO và làm ảnh hưởng đến việc hợp tác toàn cầu về giải quyết biến đổi khí hậu.
Hồi đầu tháng 7, EU đã áp dụng mức thuế tạm thời lên tới 37,6% đối với xe điện sản xuất tại Trung Quốc, ngoài mức thuế hiện hành là 10%, với lý do Bắc Kinh "hỗ trợ không công bằng" cho các nhà sản xuất ô tô điện của nước này. Tuy nhiên, Trung Quốc cho biết, việc hỗ trợ ngành công nghiệp xe điện của nước này tuân thủ các quy tắc của WTO. Trung Quốc lập luận rằng cáo buộc từ EU thiếu cơ sở thực tế và pháp lý, vi phạm nghiêm trọng các quy tắc của WTO và làm suy yếu sự hợp tác toàn cầu về biến đổi khí hậu.
Việc EU áp dụng thuế quan diễn ra sau cuộc điều tra do EC tiến hành vào năm ngoái. Trước đó, EU nhận được khiếu nại rằng các chính sách trợ cấp của chính phủ Trung Quốc cho phép các nhà sản xuất xe điện của quốc gia Đông Á có thể bán sản phẩm với giá thấp hơn nhiều so với xe điện được sản xuất trong châu Âu.
EU là thị trường nước ngoài lớn nhất đối với các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc./.