Chùa Pháp Minh (xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa) có không gian xanh mát, kiến trúc uy nghiêm, tạo cho du khách cảm giác bình an, thư giãn
Điểm đến du lịch tâm linh
Chùa Pháp Minh có khuôn viên rộng, xanh mát, kiến trúc uy nghiêm, cơ sở vật chất đầy đủ để đón tiếp các đoàn du khách đến viếng thăm và tìm lại sự cân bằng trong cuộc sống. Theo đánh giá của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh, chùa Pháp Minh là một trong những ngôi chùa tiêu biểu có thể phát triển du lịch trải nghiệm.
Tại chùa Pháp Minh, du khách có thể hòa mình vào không gian yên tĩnh, trải nghiệm hoạt động thiền tập để giải tỏa stress, tìm lại sự cân bằng và bình an trong cuộc sống. Giữa những bộn bề lo toan, thiền tập là hoạt động thiết thực nhằm cải thiện sức khỏe tinh thần cho du khách. Nếu du khách có nhu cầu nghe pháp thoại, các tăng, ni tại chùa có thể tổ chức những buổi pháp thoại ngắn, phù hợp với nhu cầu và mục đích của chuyến hành trình.
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin, Xúc tiến du lịch tỉnh - Lê Thị Hồng Thủy, du lịch tâm linh góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tại địa phương. Việc phát triển du lịch tâm linh góp phần phát triển đời sống tinh thần cho người dân, hướng đến những giá trị chân, thiện, mỹ, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Các điểm đến được chọn để phát triển du lịch tâm linh ngoài đáp ứng yêu cầu về cơ sở vật chất, nhân lực thì quan trọng nhất là cần có những yếu tố mang tính lịch sử, truyền thống, bởi mục tiêu của việc phát triển du lịch tâm linh chính là vun bồi tình yêu, lòng tự hào về quê hương.
Nơi ghi dấu lòng yêu nước
Đó cũng là lý do khiến chùa Pháp Minh trở thành một trong những điểm đến nổi bật về du lịch tâm linh trong tỉnh. Theo Lịch sử Chùa Pháp Minh, chùa do Hòa thượng Thích Liễu Lạc, thế danh Trương Văn Trình (sinh năm 1878) lập nên từ sau năm 1933 và làm trụ trì đời thứ nhất.
Trong suốt những tháng năm kháng chiến, chùa Pháp Minh là nơi chở che cán bộ, chiến sĩ cách mạng ta. Khoảng năm 1948, chùa là địa điểm bí mật nuôi giấu cán bộ cách mạng. Khi mật thám dò biết, chúng cho lính đến cướp phá chùa, chở cột, kèo, mè,... về huyện. Đến năm 1950, chiến tranh tạm lắng xuống, chùa được bà con trong thân tộc họ Trương dựng lại bằng cây lá còn sót lại của chùa cũ.
Trong thời kỳ chống Mỹ, cứu nước, chùa Pháp Minh là trạm cứu thương, tiếp tế, che giấu cán bộ và nuôi dưỡng thương, bệnh binh. Hiện nay, ở chùa còn lưu lại những căn hầm bí mật mà các vị lãnh đạo thường đến họp và trú ngụ khi có những trận bố càn của quân địch.
Năm Mậu Thân (1968), chùa bị chiến tranh tàn phá nặng nề, nhiều cán bộ, chiến sĩ hy sinh ngay trên đất chùa mà không biết tên tuổi cũng như quê quán. Nhà chùa và bà con thân tộc an táng các chiến sĩ chưa rõ danh tính này trong nghĩa trang dòng tộc họ Trương bên cạnh chùa. Nay những ngôi mộ ấy vẫn còn, cách chùa 80m về hướng Đông.
Các nắp hầm bí mật được trùng tu và giữ nguyên vị trí trong khuôn viên chùa Pháp Minh
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, chùa Pháp Minh được con cháu trong họ tộc họ Trương dựng lại bằng cây và lợp lá. Năm 2012, chùa được khởi công xây dựng lại, đến năm 2014 thì hoàn thành. Các căn hầm bí mật được giữ nguyên hiện trạng, những kỷ vật có từ trước của chùa cũng được giữ gìn cẩn thận.
Ngày nay, đến thăm chùa Pháp Minh, du khách có thể tìm thấy các nắp hầm được trùng tu, giữ nguyên vị trí trong khuôn viên chùa. Những căn hầm ấy là minh chứng cho sự "góp sức" của chùa Pháp Minh trong 2 cuộc kháng chiến bảo vệ quê hương.
Có dịp tham gia một chuyến hành trình tìm hiểu văn hóa tâm linh trên địa bàn tỉnh và ghé thăm chùa Pháp Minh, chị Nguyễn Thị Mỹ Hạnh (xã An Thạnh, huyện Bến Lức) chia sẻ: "Khi đến chùa Pháp Minh, tôi cảm thấy tâm hồn trở nên nhẹ nhàng, thư thái. Tôi thật sự ấn tượng khi đến thăm chùa Pháp Minh. Không gian yên ả và trải nghiệm thiền giúp tôi có cảm giác đang “chậm lại” để quay về với chính mình, cân bằng cuộc sống. Thêm nữa, những thông tin lịch sử về chùa khiến tôi hiểu rõ hơn về những tháng năm kháng chiến hào hùng của cha anh".
Chùa Pháp Minh là một điểm đến tâm linh, văn hóa hấp dẫn, góp phần làm phong phú thêm bức tranh du lịch của tỉnh. Trong không gian bình yên ấy, du khách không chỉ tìm được những giây phút thư giãn, cân bằng trong cuộc sống mà còn có thể tìm hiểu truyền thống lịch sử để thêm yêu và tự hào về quê hương mình./.
Mộc Châu
Link nội dung: https://pus.edu.vn/tam-linh-long-an-a64611.html