Theo Hiệp hội Mì ăn liền thế giới (WINA), Việt Nam đứng thứ 3 về tiêu thụ mì gói, chỉ sau Trung Quốc và Indonesia. Năm 2020, người Việt đã sử dụng khoảng 7 tỷ gói mì ăn liền. Tính theo đầu người, một năm mỗi người Việt tiêu thụ hơn 72 gói mì, chỉ kém Hàn Quốc. Vậy mì ăn liền là thực phẩm có tốt không, bên trong gói mì thường có các chất gì và nên lựa chọn sản phẩm này thế nào, mời bạn tham khảo bài viết dưới đây.
Mì ăn liền là gì?
Mì ăn liền là những sản phẩm sơ chế sẵn thường được đóng trong gói, ly, tô... Thành phần chính thường là bột mì, tinh bột từ các loại thực vật (như sắn, lúa mì, khoai tây…), nước, muối... Dầu cọ cũng là một thành phần phổ biến trong mì ăn liền vì sản phẩm này trước đây hay được sản xuất bằng cách chiên nhanh. Tuy nhiên, ngày nay người ta cũng sử dụng công nghệ sấy khô mì bằng không khí nóng. Mì ăn liền thường kèm theo các gói chứa gia vị, muối và bột ngọt.
Mì ăn liền được sản xuất đầu tiên ở Nhật vào năm 1958, do nhà phát minh và doanh nhân người Nhật gốc Đài Loan Momofuku Ando.
Mì ăn liền được tạo ra như thế nào?
Kể từ khi được tạo ra cho tới nay, quá trình sản xuất mì ăn liền tuy đã có nhiều khác biệt nhưng thường vẫn bao gồm các bước: Tất cả các nguyên liệu được trộn với nhau, sau đó bột được nhào và cắt thành sợi. Các sợi mì được hấp, sấy, chiên cho kiệt nước, để nguội và đóng gói.
Hàm lượng dinh dưỡng của mì ăn liền khác nhau, tùy thuộc vào từng loại cũng như mỗi hương vị. Để bạn dễ hình dung, dưới đây là hàm lượng dinh dưỡng trong một gói mì ăn liền thông thường:
Calories - 385 kcal
Carbohydrate (tinh bột) - 55.7g
Tổng chất béo - 14.5gChất béo bão hòa - 6.5g
Protein - 7.9 g
Chất xơ - 2 g
Sodium (muối) - 986 mg
Thiamine (vitamin B1) - 0.6 mg
Niacin (vitamin B3) - 4. mg
Riboflavin (vitamin B2) - 0.4 mg
Phần lớn các loại mì ăn liền chứa ít calo nhưng cũng ít cả chất xơ và protein. Chúng cũng nhiều chất béo, tinh bột và muối. Khi ăn mì này, bạn có thể nhận được một số ít vi chất dinh dưỡng nhưng thiếu hẳn các chất quan trọng như vitamin A, vitamin C, vitamin B12…
Xem kỹ ngoài vỏ gói/ly mì bạn có thể biết được thành phần và hàm lượng dinh dưỡng trong đó.
Vì sao không nên ăn mì ăn liền hằng ngày?
Rất nhiều người thích ăn mì ăn liền vì sự tiện lợi, giá cả phải chăng, hương vị ngon mà không quan tâm nhiều tới các vấn đề về sức khỏe liên quan tới loại thực phẩm này. Theo Chuyên gia dinh dưỡng Jennifer Shim, Hiệp hội dinh dưỡng Australia, không nên ăn mì ăn liền hằng ngày vì có thể gây ra nhiều hệ lụy cho sức khỏe. Dưới đây là một số lý do:
Chứa nhiều muối
Một khẩu phần mì ăn liền 100g có thể chứa 397- 3678 mg muối. Mặc dù muối là khoáng chất cần thiết cho sự hoạt động hiệu quả của cơ thể, quá nhiều chất này không tốt cho sức khỏe.
Một trong những nguồn chứa muối lớn nhất trong chế độ ăn hằng ngày là thực phẩm chế biến sẵn, bao gồm mỳ ăn liền. Ăn quá mặn có liên quan tới việc tăng nguy cơ ung thư dạ dày, bệnh tim và đột quỵ. Những người nhạy cảm với muối nếu ăn mặn còn tăng nguy cơ huyết áp cao - tình trạng cũng ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe tim và thận.
WHO khuyến cáo chế độ ăn của mỗi người chỉ cần khoảng 2g muối mỗi ngày, trong khi chỉ cần một gói mì cũng có thể vượt ngưỡng này. Vì thế nếu một ngày bạn ăn vài gói mì thì có thể nạp lượng muối quá nhiều.
Chứa bột ngọt
Bột ngọt là một phụ gia có mặt trong nhiều thực phẩm chế biến, với vai trò tăng hương vị và độ ngon cho món ăn. Mặc dù được sử dụng rộng rãi và được FDA (Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ) chấp thuận, có một số lo ngại về tác động ngắn hạn cũng như dài hạn của chất này với cơ thể.
Một số người nhạy cảm với phụ gia và có thể xuất hiện các triệu chứng như đau đầu, buồn nôn, đánh trống ngực, nổi mẩn… khi dùng bột ngọt.
Một số nghiên cứu cũng cho thấy mối liên quan giữa tiêu thụ nhiều bột ngọt với béo phì và tăng huyết áp. Tuy nhiên, với đa số mọi người, một lượng nhỏ bột ngọt có trong mì ăn liền thường không dẫn tới các tác dụng phụ này, miễn là ăn vừa phải.
Nghèo chất xơ và protein
Mặc dù là thực phẩm ít calo, mì ăn liền chứa ít chất xơ và protein - hai chất giúp tăng cảm giác no lâu, giảm đói, vì thế nó không phải lựa chọn cho những người muốn giảm cân.
Nếu ăn mì tôm thường xuyên sẽ không giúp bạn thỏa mãn cơn đói. Thậm chí, chế độ ăn ít chất xơ còn liên quan tới nguy cơ mắc các vấn đề tiêu hóa như táo bón, viêm túi thừa cũng như giảm các vi khuẩn đường ruột khỏe mạnh.
Nên nấu mì tôm cùng rau xanh, đậu phụ, trứng... để bữa ăn lành mạnh hơn. (Ảnh minh họa)
Lựa chọn và sử dụng mì ăn liền sao cho đúng?
Tuần chỉ ăn 1-2 lần
Trên Straitstimes, chuyên gia dinh dưỡng Seow Vi Vien (Singapore) cho biết: hiện không có khuyến cáo cụ thể về lượng mì ăn liền nên ăn mỗi ngày bởi nó không được coi là thực phẩm thay thế cho bữa ăn.
Tuy nhiên, một gói mì được nấu với toàn bộ gói gia vị đi kèm có thể chứa 1.700 mg sodium, chiếm tới 85% lượng khuyến nghị dùng hằng ngày. Một người chỉ cần ăn 3 khẩu phần mì hằng ngày sẽ bị suy dinh dưỡng theo thời gian bởi không nhận đủ lượng các chất dinh dưỡng cần thiết như protein, vitamins và khoáng chất. Vì vậy nên hạn chế ăn mì 1-2 lần mỗi tuần.
Chú ý kỹ các thành phần trên bao bì khi chọn mì
Theo chuyên gia, nên đọc kỹ bảng thành phần dinh dưỡng và chọn sản phẩm có hàm lượng thấp muối (sodium), chất béo bão hòa (saturated) và tổng lượng chất béo. Điều này càng cần lưu ý nếu bạn đang gặp một số vấn đề về sức khỏe như huyết áp cao hay cholesterol cao.
Ăn sao cho có lợi cho sức khỏe
Để ăn uống lành mạnh hơn nếu vẫn thích mì gói, chuyên gia khuyến cáo bạn nên thêm rau xanh, thịt nạc, cá, trứng hay đậu phụ khi nấu, và chỉ sử dụng ¼ hay một nửa gói gia vị đi kèm. Có thể thêm hành lá, rau mùi để tăng thêm hương vị cho món mì.
(Theo thoidaiplus.suckhoedoisong.vn)
Link nội dung: https://pus.edu.vn/thanh-phan-mi-tom-a64211.html