Với các giác quan tinh tường, bộ vuốt sắc bén và khả năng bay không tiếng động, cú mèo là những hung thần đáng sợ của màn đêm. Cùng điểm qua các loài cú mèo độc đáo sinh sống ở Việt Nam.
Cú lợn lưng xám (Tyto alba) dài 34-36 cm, là loài định cư tương đối phổ biến tại Đông Bắc, Trung, Nam Trung Bộ và Nam Bộ. Sinh cảnh của loài cú mèo này là đô thị, đất nông nghiệp, rừng trồng, quanh các đầm lầy.
Cú lợn lưng nâu (Tyto longimembris) dài 35-36 cm, là loài định cư không phổ biến đến hiếm tại Đông Bắc, Trung, Nam Trung Bộ và Nam Bộ. Chúng sống ở các vùng đồng cỏ.
Cú lợn rừng (Phodilus badius) dài 29-30 cm, là loài định cư hiếm tại Đông Bắc, Bắc, Trung Trung Bộ và Nam Bộ. Sinh cảnh của loài này là rừng lá rộng thường xanh, rừng trồng, xung quanh các vùng rừng ngập mặn.
Cú mèo Latusơ (Otus spilocephalus) dài 20-21 cm, là loài định cư tương đối phổ biến trong cả nước (có thể quan sát tại VQG Tam Đảo, Ba Vì, Cúc Phương, Bạch Mã, Chư Yang Sin). Chúng sống ở rừng lá rộng thường xanh, phổ biến ở vùng núi.
Cú mèo khoang cổ (Otus lettia) dài 22-23 cm, là loài định cư tương đối phổ biến trong cả nước (VQG Cúc Phương, Cát Tiên). Sinh cảnh của chúng là rừng lá rộng thường xanh, rừng hỗn giao, rừng rụng lá, rừng đã bị tác động, rừng trồng, vườn, rừng trên đảo.
Cú mèo nhỏ (Otus sunia) dài 19-20 cm, là loài định cư không phổ biến tại Bắc, Trung Trung Bộ, di cư không phổ biến qua Đông Bắc, từng ghi nhận tại Tây Bắc, Nam Trung Bộ (VQG Bái Tử Long, Xuân Thủy). Chúng sống ở rừng lá rộng thường xanh, rừng hỗn giao rụng lá, rừng đã bị tác động, rừng trồng, rừng ngập mặn, rừng trên đảo trong mùa di cư.
Dù dì Nepal (Bubo nipalensis) dài 60-61 cm, là loài định cư hiếm đến không phổ biến trong cả nước (trừ Bắc Trung Bộ). Sinh cảnh của loài này là rừng lá rộng thường xanh, bán thường xanh, rừng rụng lá trống trải.
Dù dì phương Đông (Ketupa zeylonensis) dài 49-54 cm, là loài định cư không phổ biến trong cả nước (trừ Tây Bắc), tương đối phổ biến tại đảo Quan Lạn, VQG Bái Tử Long. Chúng sống ở rừng lá rộng thường xanh, bán thường xanh, rừng rụng lá trống trải, gần nguồn nước.
Dù dì hung (Ketupa flavipes) dài 58-61 cm, là loài định cư hiếm đến không phổ biến tại Tây Bắc, Đông Bắc, Nam Trung Bộ và Nam Bộ. Sinh cảnh của chúng là rừng lá rộng thường xanh, bán thường xanh dọc các con sông, rừng đầm lầy nước ngọt.
Dù dì Kêtupu (Ketupa ketupu) dài 45-47 cm, là loài định cư hiếm đến không phổ biến tại Trung, Nam Trung Bộ và Nam Bộ. Loài cú này sống ở rừng lá rộng thường xanh nơi gần nước, rừng ngập mặn, rừng trồng, vườn cây gỗ, đất nông nghiệp có cây lớn.
Hù (Strix leptogrammica) dài 47-53 cm, là loài định cư hiếm đến không phổ biến tại Đông Bắc và Trung Bộ. Chúng sống ở rừng lá rộng thường xanh, bán thường xanh, rừng hỗn giao rụng lá.
Hù phương Đông (Strix seloputo) dài 44-48 cm, là loài định cư hiếm tại Nam Bộ (VQG Phú Quốc). Sinh cảnh của chúng là bìa rừng lá rộng thường xanh, rừng khai thác, rừng trồng, vườn, thỉnh thoảng gặp ở rừng ngập mặn.
Cú vọ (Glaucidium cuculoides) dài 20-23 cm, là loài định cư tương đối phổ biến trong cả nước. Sinh cảnh của cú vọ là rừng nguyên sinh, rừng thứ sinh, trảng cây bụi, ban ngày thường đậu trên các ngọn cây trống trải.
Cú vọ mặt trắng (Glaucidium brodiei) dài 16-17 cm, là loài định cư phổ biến từ Bắc Bộ đến Nam Trung Bộ (VQG Bạch Mãm Cúc Phương, Tam Đảo, Ba Bể). Loài này sống ở rừng lá rộng thường xanh, chủ yếu ở độ cao trên 400 mét.
Hù trán trắng (Athene brama) dài 20-21 cm, là loài định cư không phổ biến đến hiếm tại Trung, Nam Trung Bộ và Nam Bộ. Chúng sống ở rừng cây gỗ nơi trống trải, bán hoang mạc, vườn, đất canh tác, thành thị, chủ yếu ở các vùng đất thấp.
Cú vọ lưng nâu (Ninox scutulata) dài 30-31 cm, là loài định cư tương đối phổ biến tại Đông Bắc, Bắc, Trung Trung Bộ và Nam Bộ (VQG Cúc Phương, Cát Tiên). Sinh cảnh của chúng là rừng trống trải, rừng thường xanh có cây gỗ lớn, rừng ngập mặn, vườn cây gỗ.
Cú lửa (Asio flammeus) dài 37-39 cm, là loài trú đông hiếm đến không phổ biến tại Đông Bắc, Bắc Trung Bộ. Chúng sống ở đồng cỏ, đầm lầy, các khu vực trống trải.
Theo TRI THỨC & CUỘC SỐNG
Tags: Thiên nhiên, Động vật, Chim
Link nội dung: https://pus.edu.vn/hinh-anh-chim-cu-meo-a64068.html