Được biết đến như khoảng thời gian "mở cửa âm phủ', tháng cô hồn mang nhiều nghi thức và tập tục để tưởng nhớ những người thân đã khuất, cầu siêu cho linh hồn họ, thể hiện lòng từ bi với những linh hồn không nơi nương tựa, đồng thời cầu cho gia đình được bình an.
Tháng cô hồn cách gọi của dân gian chỉ tháng 7 Âm lịch hằng năm. Trong năm 2024, tháng cô hồn sẽ vắt qua 2 tháng Dương lịch, kéo dài từ ngày 4/8 (tức 1/7 Âm lịch) đến hết ngày 2/9 (tức 30/7 Âm lịch).
Theo truyền thuyết, trong tháng 7 Âm lịch, quỷ môn quan mở ra, cho phép các vong hồn trở về dương gian. Người ta tin rằng các linh hồn không nơi nương tựa có thể gây rối nếu không được thờ cúng hoặc thờ không đủ thành kính. Vì thế, trong khoảng thời gian này, các gia đình thường tổ chức lễ cúng cô hồn để xoa dịu các linh hồn lang thang.
Dân gian cho rằng ngay cả những linh hồn tội lỗi, khi còn sống gây nhiều tội ác nên khi chết bị đọa vào địa ngục, trong dịp này cũng được tha ra để hưởng lộc cúng của nhân gian. Vì thế, rằm tháng bảy cũng được coi là ngày xá tội vong nhân.
Với người theo đạo Phật, tháng 7 âm lịch cũng được biết đến là tháng Vu lan - ngày lễ báo hiếu, nhấn mạnh lòng hiếu thảo và tưởng nhớ đến công ơn của cha mẹ, tổ tiên. Đây là dịp để con cháu dâng lễ cúng người đã khuất, hoặc cúng dường để hồi hướng phước báu cho họ, cầu mong họ được yên bình ở thế giới bên kia.
Tháng 7 Âm lịch cũng là khoảng thời gian để mỗi người sống chậm lại, suy ngẫm, tôn trọng các giá trị văn hóa, truyền thống và tìm cách cân bằng trong cuộc sống hàng ngày.
Tháng cô hồn không chỉ là một khoảng thời gian đặc biệt trong năm mà còn phản ánh sâu sắc tinh thần nhân văn, lòng thành kính và niềm tin tâm linh của người Việt.
Dưới đây là một số hoạt động người Việt thường làm trong tháng 7 Âm lịch:
Một trong những hoạt động quan trọng và phổ biến nhất trong tháng 7 Âm lịch là lễ cúng cô hồn. Lễ cúng cô hồn thường diễn ra vào ngày 14 hoặc 15 tháng 7. Mục đích của lễ cúng là mong cho các linh hồn được no đủ, không quấy phá gia chủ, đồng thời cầu bình an cho gia đình.
Tùy theo phong tục tập quán của từng địa phương mà mâm cúng cô hồn có sự khác biệt. Mâm cúng bao gồm các món ăn truyền thống, trái cây và các vật dụng như giấy tiền, vàng mã. Một số gia đình còn chuẩn bị những món ăn mà họ tin là linh hồn sẽ ưa thích như cháo trắng, gạo và muối. Mâm cúng cô hồn được bày biện trước cổng nhà, ngoài trời, hoặc tại các điểm thờ cúng công cộng.
Một phong tục phổ biến khác trong tháng cô hồn là thả đèn hoa đăng và phóng sinh để cầu nguyện bình an. Đèn hoa đăng được thả xuống sông, hồ với hy vọng mang lại ánh sáng và dẫn đường cho các linh hồn về nơi an nghỉ.
Phóng sinh là hành động thả các sinh vật đang bị bắt, giam cầm trở về với môi trường tự nhiên, chẳng hạn như cá, chim, rùa. Đây cũng là một hành động thể hiện thiện tâm trong tháng cô hồn, nhằm phủ lòng từ bi lên vạn vật.
Tháng 7 Âm lịch là dịp để các gia đình gắn kết, thể hiện lòng thương nhớ và tri ân đối với tổ tiên và người đã khuất. Ngoài hoạt động viếng mộ, nhiều người còn đến các chùa để tham gia lễ Vu lan báo hiếu và cầu siêu cho những linh hồn cô đơn.
Ngoài các hoạt động tâm linh, tháng cô hồn cũng là cơ hội để người dân thực hiện nhiều hành động nhân đạo như quyên góp cho những người nghèo khó hay có hoàn cảnh đặc biệt. Phật giáo cho rằng những hành động này không chỉ thể hiện lòng từ bi mà còn mang lại phúc đức cho người thực hiện.
Link nội dung: https://pus.edu.vn/thang-may-la-thang-co-hon-a63966.html