Từ lâu, cố đô Huế đã được mệnh danh là “kinh đô ẩm thực” bởi vô vàn những món ăn thơm ngon nức tiếng. Bên cạnh những món ăn làm nên thương hiệu Huế như bún bò Huế, cơm hến,… thì không thể không nhắc đến các loại bánh được xem là đặc sản của vùng đất cố đô này. Cùng Vntrip lưu lại danh sách những món bánh đặc trưng này để lần tới có dịp đi Huế phải thưởng thức cho bằng hết nhé!
Nhắc tới Huế là phải nhắc tới bánh bột lọc. Đối với người Huế, đây chỉ đơn giản là món quà hàng để ăn vào buổi xế chiều, thay cho bữa lỡ. Tuy nhiên, nhờ bàn tay chế biến khéo léo của các bà, các mẹ mà từ lâu, bánh lọc đã được nâng tầm lên thành một món ăn mà bất cứ du khách nào tới Huế cũng nhất định phải đi tìm và thử cho bằng được món bánh đặc trưng này.
Bánh lọc gói. Hình: Sưu tầm
Bánh lọc nhân tôm. Hình: @eatingwithchangchang
Bánh bột lọc bình dị từ cái tên đến cách chế biến, chỉ từ bột lọc, tôm rim, thịt mỡ đã có thể tạo nên một nồi bánh lọc ngon lành. Bánh lọc bao gồm 2 loại là bánh lọc trần và bánh lọc gói lá chuối, mỗi thứ sẽ có một cách ăn với những loại nước mắm khác nhau, trong khi bánh lọc trần kết hợp với nước mắm ngọt thì bánh lọc gói lại kết hợp với nước mắm ruốc đặc trưng của Huế. Tuy nhiên, cho dù là bánh lọc trần hay bánh lọc gói thì khi thưởng thức, bạn có thể dễ dàng nhận thấy được vị ngọt của tôm sông hòa quyện với vị béo ngậy của thịt ba chỉ được bọc trong một lớp bột lọc không quá mỏng cũng không quá dày, điều này làm cho thực khách khó cưỡng lại được.
Bánh lọc trần. Hình: @kangyoon_ho
Cũng tương tự như bánh lọc, bánh bèo là một món ăn mà bất cứ vị khách du lịch nào cũng không thể bỏ lỡ khi đến với Huế. Bánh bèo Huế bình dị ngay từ tên gọi. Bánh bèo làm không hề khó, nguyên liệu chỉ là gạo xay thành bột mịn, tôm chấy, hành phi, tép mỡ, dầu béo.
Bánh bèo Huế. Hình: @eatingwithchangchang
Tuy nhiên, nước chấm bánh bèo lại ược chế biến rất công phu. Nước mắm nguyên chất hòa với mỡ, đường, tỏi, ớt. Và được nấu từ tôm tươi nên rất ngon. Nước mắm chấm vừa có vị ngọt của tôm, vị béo của mỡ, vị cay nồng của ớt hòa quyện với những chiếc bánh bèo thơm ngon, tạo nên một cảm giác không thể nào quên khi thưởng thức.
Thêm một ít tóp mỡ để tăng độ hấp dẫn. Hình: Sưu tầm
Tại Huế, bánh nậm được bày bán khắp nơi, thường thì ở những gánh hàng rong của các bà, sẽ luôn có những món bánh như bánh lọc, bánh bèo và bánh nậm. Chỉ cần lang thang quanh những khu phố ẩm thực như Phạm Hồng Thái, chợ Tây Lộc, chợ Đông Ba, bạn có thể dễ dàng bắt gặp những gánh hàng rong đông nghìn nghịt.
Bánh nậm Huế. Hình: @eatingwithchangchang
Cũng được làm từ bột gạo, bột năng và tôm nhưng cách chọn nguyên liệu cho bánh nậm lại cầu kỳ hơn so với bánh lọc và bánh bèo. Bánh có hình chữ nhật, dẹt, bên trong là một lớp bột trắng ngần được tráng mỏng 1 lớp trên lá sau đó rải lên trên phần nhân tôm, thịt heo với màu hồng vô cùng bắt mắt.
Bánh nậm với nhân tôm siêu hấp dẫn. Hình: @holagato
Bánh ram ít được chia làm 2 phần là phần bánh ít mềm dẻo ở phía trên và phần bánh ram thơm giòn ở bên dưới. Hai thứ hương vị tưởng chừng không thể kết hợp này khi qua bàn tay khéo léo của người làm bánh tạo nên một hương vị cuốn hút riêng. Tuy cách thức chế biến khác nhau nhưng cả hai phần bánh đều được làm từ gạo nếp. Nếp làm bánh phải là thứ nếp ngon, trắng, dẻo.
Bánh ram ít Huế. Hình: Sưu tầm
Lúc bày ra đĩa, người Huế thường đặt phần bánh ít trắng tinh lên trên rồi rắc thêm một lớp bột tôm cháy vàng, bên dưới là bánh ram giòn tan. Điểm độc đáo của bánh ram ít là chấm với nước mắm chua chua ngọt ngọt được pha chế một cách đặc biệt, không mặn quá hay ngọt quá, thêm vị cay của mấy lát ớt Huế. Sự kết hợp giữa vị giòn tan của bánh ram với vị thơm, dẻo của bánh ít và vị mặn ngọt của nước mắm đúng là không còn gì bằng.
Sự kết hợp giữa vị giòn tan của bánh ram với vị thơm, dẻo của bánh ít. Hình: Sưu tầm
Bánh ướt khá giống với món bánh cuốn ở ngoài Bắc với nguyên liệu chính của phần vỏ bánh ướt làm từ bột gạo được pha chung với bột năng hoặc bột khoai mì với tỉ lệ nhất định tăng thêm hương vị cho món ăn. Ba loại bột này được hòa tan với nước sao cho khi tráng bánh tạo được vỏ bánh ướt thật mỏng nhưng khi tráng không bị rách, cuốn lại thì ăn rất vừa miệng mà không quá dai. Bánh ướt càng mỏng càng ngon và càng thể hiện được độ khéo léo của người làm.
Bánh ướt heo quay. Hình: Sưu tầm
Độ ngon của bánh ướt còn phụ thuộc rất nhiều vào nước mắm. Bên cạnh việc pha nước mắm với ớt, tỏi được giã nhuyễn, thêm chút đường, vắt thêm vài giọt chanh theo tỉ lệ nhất định thì ở những hàng quán nổi tiếng người ta thường phải lựa chọn từ loại nước mắm cốt cá biển đậm đặc thì mới tạo nên sự khác biệt cho món ăn đó!
Bánh ướt cuốn thịt nướng. Hình: Sưu tầm
Bánh ép được xem là món ăn tuổi thơ của thế hệ các bạn 8x và 9x tại Huế, dần dần món bánh đơn giản này trở thành một món ăn mà bất cứ du khách nào đến Huế cũng nên thử.
Bánh ép Huế. Hình: Sưu tầm
Bánh ép được chế biến khá đơn giản từ bột lọc và nhân. Giống như tên gọi của nó, bánh ép được làm chín bằng cách ép bột bánh và nhân giữa hai miếng nhôm với nhau trên lò than hồng cho đến độ là được. Trước đây, bánh ép truyền thống chỉ có bột lọc, trứng, ăn kèm rau sống. Tuy nhiên với sự biến tấu đa dạng ở thời nay món bánh ép Huế đã có thêm nhiều loại nhân ăn kèm như thịt, tôm, pate, xúc xích… để đáp ứng như cầu của thực khách.
Còn có bánh ép khô. Hình: Sưu tầm
Bên cạnh đó, một yếu tố quyết định món bánh ép ngon hay không là nước chấm và tay nghề của người bán. Có quán dùng nước mắm công nghiệp nguyên chất, pha ớt bột. Nơi thì làm sẵn nước mắm chua ngọt kèm ớt tỏi, nơi lại dùng nước mắm trộn tương ớt hoặc ớt chưng. Nhưng điểm chung chính cái vị cay xè và thơm nồng của ớt trong nước mắm khiến ai ai cũng phải xuýt xoa.
Mặc dù tên gọi bánh Khoái rất dân dã là thế nhưng lại có sức hấp dẫn ghê gớm bởi cách bài trí món ăn cùng hương vị đặc trưng, độc đáo khiến bất cứ ai một khi đã thưởng thức thì sẽ coi nó là món khoái khẩu.
Bánh khoái Huế. Hình: Sưu tầm
Bánh khoái được làm bằng bột gạo, có pha thêm một ít bột năng, một chút muối và đường thắng hoặc bột nghệ để bánh có màu vàng cho bắt mắt. Nhân bánh thì gồm có tôm sông, giò sống, trứng gà, thịt ba chỉ. Bánh khoái khi chiên xong thơm lừng, có màu vàng rộm, ăn kèm với rau xà lách, rau thơm, vả, dưa leo, khế ngọt, mang đến vị béo, ngọt, chua, the, bùi… khó mà cưỡng lại được.
Bánh khoái cá kình. Hình: Sưu tầm
Không chỉ vậy, bánh khoái luôn được ăn kèm với một loại nước chấm rất đặc biệt mà người Huế gọi là nước lèo. Nước lèo này được làm từ gan heo, đậu phụng giã nhuyễn, mè, tương đậu nành được pha theo bí quyết gia truyền nên thường có vị rất lạ và ngon tuyệt vời.
Món bánh cuốn tôm chua tuy dân dã nhưng một thời được vua chúa hết sức tâm đắc, món ăn này thường hiện diện trên bàn ăn của vua ngày xưa đấy. Nguyên liệu làm món ăn này không khó kiếm, gồm bánh ướt mỏng, thêm một ít rau sống gồm: xà lách, rau thơm, cọng rau muống đã bỏ bớt lá, chỉ lấy phần non giòn. Thịt heo ba chỉ luộc chín, xắt lát mỏng, vài lạng bún tươi, vài củ khoai lang nấu chín, gọt vỏ, cắt miếng theo chiều dọc, một chén tôm chua vừa chín.
Bánh cuốn tôm chua. Hình: Sưu tầm
Nước chấm của loại bánh này cũng vô cùng đặc sắc, bao gồm khoai lang luộc chín, lột vỏ, quết thật mịn, trộn với ruốc để một lúc cho thấm gia vị. Bỏ vài muỗng dầu ăn vào chảo bắc lên bếp, dầu sôi thả tỏi giã nhỏ vào cho thơm, rồi đổ khoai lang, ruốc, đường và chút xíu nước lã vào khuấy đều tay cho đến khi sệt lại là vừa. Nước chấm có màu nâu vàng sánh óng rất hấp dẫn. Gắp miếng bánh, thêm miếng thịt ba chỉ, ăn kèm với tôm chua, chấm vào nước lèo đậm đà, đúng là không thể cưỡng lại được.
Đĩa bánh cuốn tôm chua vô cùng hấp dẫn. Hình: Sưu tầm
Bánh in còn gọi là bánh cộ, bánh ngũ sắc, từng là loại bánh được dâng lên vua chúa triều Nguyễn. Bánh được đúc từ những chiếc khuôn bằng gỗ nên có tên gọi là bánh in. Để làm nên mỗi chiếc bánh thì người thợ trải qua 10 công đoạn, trong đó việc chọn loại đậu xanh hảo hạng để làm nguyên liệu bánh là quan trọng nhất. Đậu chọn để xay phải là loại đậu xanh thượng hạng, khi làm bánh sẽ có mùi thơm vô cùng hấp dẫn. Bánh có nhiều chủng loại như bánh bột nếp, bột huỳnh tinh, bột đậu xanh, bột đậu quyên, bột đậu ván, bánh hạt sen trần… Nhưng loại bánh xưa nhất và phổ biến nhất là bánh ngũ sắc đậu xanh có in hình chữ Thọ.
Bánh in Huế. Hình: Sưu tầm
Trong những buổi sáng sớm, ngồi nhâm nhi ly trà nóng với bánh in, cái vị chát đắng của trà hòa cùng vị cay của gừng, thơm của mè, bùi của đậu phộng và vị ngọt đặc trưng của bánh in thì không còn gì bằng.
Bánh in rực rỡ sắc màu. Hình: Sưu tầm
Loại bánh đậu xanh nặn hình trái cây này có nguồn gốc từ cung đình Huế, còn được gọi là bánh “quý tộc” bởi trước kia vốn chỉ dành cho các vua chúa, quan lại thưởng thức. Bánh có nguyên liệu đơn giản gồm đậu xanh đãi vỏ, nước cốt dừa, đường trắng và bột rau câu. Tuy nhiên, quá trình làm bánh lại đòi hỏi sự tỉ mẫn, tính sáng tạo của mỗi nghệ nhân. Những chiếc bánh được tạo hình kỳ công với nhiều loại quả như na, khế, ớt, đu đủ, xoài, măng cụt…
Những chiếc bánh được tạo hình kỳ công. Hình: Sưu tầm
Đặc biệt, để bánh mang hương vị trái cây, người Huế sử dụng các loại màu có sẵn trong tự nhiên chứ không dùng phẩm màu. Các màu chủ đạo thường dùng là màu hồng tím, màu vàng, màu đỏ và màu xanh lá cây. Sắc vàng đậm có thể dùng bột nghệ hay cà rốt, màu vàng nhạt thì dùng các loại quả như xoài chín, chanh dây, màu đỏ của gấc, màu xanh của lá dứa hay lá rau ngót và màu tím của củ dền.
Bánh sử dụng các loại màu có sẵn trong tự nhiên chứ không dùng phẩm màu. Hình: Sưu tầm
Giờ thì hãy chuẩn bị “một chiếc bụng đói” để chinh chiến hết những hàng bánh ở Huế thôi nào!
Link nội dung: https://pus.edu.vn/cac-loai-banh-hue-a61816.html