Nhiều người thưởng thức một tách trà assam thơm đậm đà để giúp bắt đầu một ngày mới đầy tỉnh táo, sảng khoái và hứng khởi. Bên cạnh đó, loại thảo mộc quý này còn có tác dụng cải thiện sức khỏe não bộ, tăng sức đề kháng cũng như hỗ trợ cơ thể chống lại nguy cơ ung thư,…
Trà assam là một loại trà đen, được chế biến từ lá cây Camellia sinensis var. assamica. Loại thảo mộc này được trồng phổ biến tại các bang phía Đông Bắc của đất nước Ấn Độ, cũng là những vùng sản xuất trà lớn nhất thế giới.
Khác với một số trà thảo mộc khác, trà assam có chứa nhiều caffeine, hương vị thơm ngon, đậm đà với vị mạch nha lạ miệng. Trà được sản xuất bằng cách phơi nắng lá trà assam tươi, sau đó cho tiếp xúc với oxy trong môi trường nhiệt độ ổn định để lên men. Chính quá trình oxy hóa này đã kích thích sự thay đổi hóa học trong lá cây, giúp cho trà assam có hương vị, màu sắc rất đặc trưng, đặc biệt thơm ngon.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trong trà assam có chứa các hợp chất thực vật phong phú có khả năng giúp tăng cường sức khỏe nếu chúng ta biết cách uống và tiêu thụ trà một cách thường xuyên. Cụ thể:
Hầu hết những loại trà đen, bao gồm trà assam đều có chứa một số hợp chất thực vật độc đáo, điển hình là theaflavin, thearubigins và catechin. Những hợp chất này có chức năng như chất chống oxy hóa trong cơ thể, mang lại tác dụng giúp phòng chống bệnh tật.
Như chúng ta đều biết, cơ thể sản xuất các gốc tự do có thể làm tế bào bị tổn thương, khiến bạn dễ mắc bệnh cũng như lão hóa nhanh. Chính nhờ những chất chống oxy hóa trong trà đen mà cơ thể chúng ta có thể phòng ngừa những tác động tiêu cực của các gốc tự do, từ đó bảo vệ các tế bào không bị tổn thương, giảm viêm hiệu quả.
Nghiên cứu tiến hành trên động vật cho thấy rằng, các hợp chất polyphenolic trong trà assam có khả năng làm giảm mức cholesterol xấu cũng như giúp ngăn ngừa sự tích tụ mảng bám trong mạch máu. Ngoài ra, nếu chúng ta đều đặn uống từ 710 - 1.420ml trà assam mỗi ngày còn có thể giúp làm giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh tim ở một số người.
Ngoài tăng cường sức khỏe tim mạch, kết quả nghiên cứu ban đầu cho thấy, các hợp chất polyphenolic có trong trà assam có thể hoạt động như các hợp chất prebiotic trong đường tiêu hóa, hỗ trợ sự phát triển và duy trì lợi khuẩn trong đường ruột. Một khi lợi khuẩn trong đường ruột phát triển mạnh mẽ sẽ thúc đẩy chức năng miễn dịch thực hiện được tốt hơn.
Theo kết quả nghiên cứu trên ống nghiệm và động vật, một số hợp chất trong trà assam có tác dụng tham gia vào quá trình ức chế các tế bào ung thư phát triển, lan rộng.
Ngoài ra, nghiên cứu nhỏ ở người cũng chỉ ra có mối liên quan chặt chẽ giữa thói quen uống trà đen nói chung, trà assam nói riêng, theo đó người uống trà assam đúng cách có thể góp phần giảm nguy cơ bị ung thư da, phổi...
Theo nghiên cứu, một số hợp chất có trong trà assam, điển hình là theaflavin có thể hỗ trợ điều trị hoặc phòng ngừa các bệnh thoái hóa não. Nghiên cứu thực hiện trên ống nghiệm gần đây cũng cho thấy rằng, các hợp chất có trong các loại trà đen có thể hạn chế bệnh Alzheimer tiến triển.
Tương tự nhiều loại trà thảo mộc khác, trà assam là một thức uống rất tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, việc uống trà phải đúng cách và bạn cũng cần biết rằng không phải ai cũng có thể dùng trà nếu thích.
Dưới đây là một số lưu ý khi sử dụng trà assam cũng như giải đáp thắc mắc trà assam không thích hợp cho một số người vì các lý do sau:
Trong thành phần của trà assam có chứa nhiều caffeine, vì thế những ai muốn tránh chất kích thích này thì không thích hợp dùng trà assam. Tốt nhất là hỏi ý kiến bác sĩ nếu bạn là đối tượng tránh caffeine nhưng bạn lại muốn sử dụng thức uống này cho mục đích sức khỏe khác.
Tùy theo cách ngâm trà của bạn mà lượng caffeine trong trà assam sẽ khác nhau. Hàm lượng caffeine trong 240ml trà assam dao động từ 60 - 112mg phụ thuộc vào thời gian ngâm, còn trong 240ml cà phê sẽ có lượng caffeine khoảng 100 - 150mg.
Trên thực tế, đối với đa số mọi người dùng thì mức tiêu thụ dưới 400mg caffeine mỗi ngày không tác động tiêu cực đối với sức khỏe. Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên nạp quá nhiều caffeine để tránh nguy cơ gặp phải một số các triệu chứng không mong muốn như nhịp tim nhanh, lo lắng và mất ngủ. Phụ nữ đang mang thai được khuyến cáo không tiêu thụ quá 200mg caffeine mỗi ngày để không gây ảnh hưởng đến sức khỏe cả mẹ và con.
Một trong những tác dụng phụ có thể xảy ra khi dùng trà assam đó là khả năng làm giảm sự hấp thụ chất sắt do thức uống này có hàm lượng tannin khá cao. Kết quả từ một số nghiên cứu cho thấy tannin trong trà có thể liên kết với sắt trong thức ăn nên dẫn đến tình trạng cơ thể khó hấp thu chất dinh dưỡng này. Do đó, những ai bị thiếu sắt và đang muốn bổ sung khoáng chất này cho cơ thể thì hãy tránh uống trà assam.
Cần chú ý uống trà assam điều độ vì trong trà assam có thể chứa các kim loại nặng như nhôm. Khi cơ thể hấp thụ quá nhiều nhôm trong thời gian dài có thể góp phần làm mất xương và tổn thương thần kinh, nhất là trên những người mắc bệnh thận.
Tóm lại, trà assam mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe tổng thể, điển hình như bảo vệ sức khỏe tim mạch, não bộ và làm chậm quá trình lão hóa của cơ thể. Tuy nhiên, do trà có chứa caffeine nên tốt nhất là bạn cần uống loại trà này đúng cách, đúng lượng để hạn chế tiêu thụ chất kích thích này quá nhiều.
Xem thêm:
Link nội dung: https://pus.edu.vn/tra-assam-a58035.html