Thiện Lê/Người Việt
HOLLYWOOD, California (NV) - Đức Quốc Xã là một chủ đề được dựng thành rất nhiều phim. Các phim này nói về chiến tranh, về những tội ác của chế độ này đối với người Do Thái và dựa theo sự thật rất nhiều.
Đây là những phim gợi lên nhiều cảm xúc không vui cho những người từng sống qua thời thế chiến, và giúp giới trẻ hiểu được lịch sử thế giới qua màn ảnh lớn.
Hollywood và các hãng phim nước ngoài đã bỏ nhiều công sức để làm những tác phẩm về Đức Quốc Xã này.
Divided We Fall
“Divided We Fall” là một phim của Tiệp Khắc được sản xuất vào năm 2000, và từng được đề cử nhận Oscar phim ngoại ngữ hay nhất.
Với bối cảnh diệt chủng người Do Thái, bộ phim này nói về một cặp vợ chồng không có con ở Đức quyết định giúp một người bạn gốc Do Thái trốn khỏi lính của Đức Quốc Xã. Họ bất chấp mọi nguy hiểm để giúp đỡ người bạn đó.
“Divided We Fall” còn cho khán giả thấy được một cái nhìn khác về Đệ Nhị Thế Chiến và cảnh diệt chủng người Do Thái.
Không chỉ vậy, bộ phim này còn cân bằng giữa những giây phút hài đen tối và những giây phút đầy sợ hãi rất khéo léo. Điều đó làm khán giả luôn hồi hộp và không biết chuyện gì sẽ xảy ra.
Downfall
Phim Đức “Downfall” của năm 2004 là một phim hiếm thấy về chủ đề Đức Quốc Xã. Các phim khác của chủ đề này thường cho khán giả nhìn qua mắt các binh sĩ Đồng Minh hay những người Do Thái phải chịu cảnh đày đọa, diệt chủng, nhưng phim này cho khán giả thấy được nội bộ của Đức Quốc Xã trong những ngày tàn vào năm 1945 ra sao.
Dựa theo câu chuyện của nhân vật có thật ngoài đời là bà Traudl Junge, phim này bắt đầu vào lúc bà được tuyển làm thư ký cho Adolf Hitler vào năm 1942.
Sau đó, “Downfall” lập tức nhảy qua những ngày cuối của Đệ Nhị Thế Chiến hồi năm 1945, lúc thủ đô Berlin của Đức đang bị Liên Xô tấn công.
Với sự thể hiện của tài tử Bruno Ganz trong vai Adolf Hitler, bộ phim này cho khán giả thấy được tâm trạng của Hitler trong những ngày Berlin sắp thất thủ. Ông từ một người tự tin, cho rằng mình chinh phục cả Âu Châu, rồi trở thành một người hoang tưởng, vẫn nghĩ Đức có thể đánh bại phe Đồng Minh.
Tuy là phim chiến tranh, nhưng nét độc đáo của “Downfall” là không có những cảnh chiến trận thảm khốc, chỉ nói về cuộc sống của Hitler và các tướng lãnh dưới hầm chống bom, đến giờ phút cuối vẫn không chịu đầu hàng.
Schindler’s List
“Schindler’s List” công chiếu năm 1993, nói về câu chuyện có thật của doanh gia người Đức, Oskar Schindler. Ông đến thành phố Krakow của Ba Lan để mở nhà máy, và trước đó đã gia nhập đảng Đức Quốc Xã để kiếm được nhiều tiền hơn.
Ông mở nhà máy và tuyển dụng nhiều công nhân gốc Do Thái, nhưng không ngờ sau đó Đức bắt đầu tàn sát người Do Thái. Doanh gia này muốn bảo vệ công nhân vì họ làm việc rất tốt, nhưng ông không ngờ mình sẽ thành vị cứu tinh cho hàng ngàn người Do Thái. Ông phải đối đầu với nhiều áp lực từ quân đội Đức, trong đó có sĩ quan Amon Goeth, người giám sát trại tập trung giam người Do Thái ở Ba Lan.
Vì việc làm tuy vì lợi nhuận, nhưng vẫn cao thượng, doanh gia Schindler đến giờ vẫn được nhiều thế hệ của người Do Thái mang ơn.
Với sự dẫn dắt của đạo diễn lừng danh Steven Spielberg và tài tử Liam Neeson đóng vai doanh gia Schindler, “Schindler’s List” là một trong những phim Đức Quốc Xã thành công nhất trong lịch sử.
Không chỉ vậy, sự lựa chọn quay bằng màu trắng đen lại làm cho bộ phim này thêm u sầu và đau khổ hơn.
Sophie’s Choice
Công chiếu hồi năm 1982, “Sophie’s Choice” nói về một cô gái di dân người Ba Lan, có tên Sophie, do minh tinh lừng danh Meryl Streep đóng.
Trong phim này, cô Sophie ở chung nhà với người tình Nathan và một nhà văn trẻ có tên Stingo tại quận Brooklyn của New York. Nhà văn Stingo ngày càng thân thiết với cặp tình nhân kia, và phát hiện cô Sophie là người gốc Do Thái, từng bị nhốt ở trại tập trung Auschwitz.
Khán giả xem “Sophie’s Choice” sẽ thấy được nhiều cảnh về quá khứ đau khổ của nhân vật nữ chính, cũng như những cảnh rùng rợn mà nhiều người Do Thái không thể quên được.
Với diễn xuất đầy cảm xúc của một người sống qua thời Đức Quốc Xã, minh tinh Meryl Streep đoạt giải Oscar vai nữ chính hay nhất nhờ phim này.
The Boy in the Striped Pajamas
Công chiếu năm 2008, phim “The Boy in the Striped Pajamas” nói về câu chuyện của hai cậu bé Bruno và Shmuel trong thời thế chiến.
Cậu bé 8 tuổi Bruno cùng cha rời khỏi Berlin đến sống gần trại tập trung nhốt người Do Thái vì cha mình thành người giám sát trại này. Bruno đi ra phía sau nhà và gặp cậu bé người Do Thái, Shmuel bị nhốt sau một hàng rào kẽm gai. Từ đó, hai cậu bé kết bạn nhau và hoàn toàn không nghĩ đến hoàn cảnh chung quanh mình.
Dựa theo sách của nhà văn John Boyne người Ireland, “The Boy in the Striped Pajamas” cho khán giả thấy được sự hồn nhiên của tuổi thơ, đối lập với sự tàn nhẫn của người lớn trong thời chiến tranh.
The Counterfeiters
“The Counterfeiters” là phim của đạo diễn người Áo, Stefan Ruzowitzky, công chiếu hồi năm 2007.
Vai chính của phim này là nhân vật Salonmon Sorowitsch, một người gốc Do Thái nghiện bài bạc, rượu chè ở Berlin. Ông bỗng dưng bị bắt và bị đưa vào trại tập trung.
Trong trại, ông cho lính Đức thấy mình có khả năng và được đưa vào trại đặc biệt và làm tiền giả ở đó.
Ông Sorowitsch được Đức Quốc Xã tuyển dụng làm tiền Bảng Anh giả, với mục đích đánh sập kinh tế của Anh Quốc. Đây là chiến dịch làm tiền giả lớn nhất trong lịch sử, có tên Operation Bernhard.
Phim này thành công vì dựa theo hồi ký của ông Adolf Burger, một người Slovakia gốc Do Thái bị bắt hồi năm 1942 vì làm giấy tờ giả để cứu nhiều người Do Thái ra khỏi trại tập trung. Ông cũng là một nhân vật quan trọng trong bộ phim này.
The Pianist
Công chiếu năm 2001, “The Pianist” có thể nói là một trong những phim nói về diệt chủng người Do Thái thành công nhất của Hollywood.
Dựa theo sách hồi ký cùng tên, bộ phim này nói về nghệ sĩ dương cầm Wladyslaw Szpilman, người Ba Lan gốc Do Thái. Ông sống cả đời chỉ biết âm nhạc, không hề lao động chân tay.
Khi Đức chiếm Ba Lan, ông bị giam trong khu phố giam lỏng người Do Thái ở Warsaw, vừa nghèo đói vừa phải làm việc nặng nhọc. Sau đó, những người Do Thái được đưa vào trại tập trung và không bao giờ quay trở lại. Tuy nhiên, ông Szpilman may mắn được một số người giúp đỡ và phải trốn ở tàn tích của Warsaw để tìm cách sống còn.
Trong những lúc khó khăn, ông không bao giờ quên được tình yêu mình dành cho cây đàn dương cầm cũng như nhạc cổ điển, và điều đó cứu sống ông.
Tài tử Adrien Brody gần như phải “lột xác” thành nhân vật Szpilman, vì phải tập đánh đàn dương cầm, phải nhịn ăn rất lâu để đóng được vai một người chịu nhiều đau khổ trong thế chiến. Nhờ vậy, ông thắng giải Oscar vai nam chính hay nhất của năm 2003. (Thiện Lê) [qd]
—- Liên lạc tác giả: [email protected]