Tiêu chảy là tình trạng đi ngoài phân lỏng nhiều lần trong ngày. Trên thực tế, bất kỳ ai cũng có thể bị tiêu chảy, bao gồm cả những phụ nữ đang cho con bú. Vì vậy, nhiều chị em không tránh khỏi thắc mắc mẹ bị tiêu chảy có cho con bú được không? Làm thế nào để tránh lây nhiễm cho bé?
Bài viết tổng hợp thông tin dưới đây của Hello Bacsi sẽ giúp bạn hiểu rõ câu trả lời cho vấn đề “Mẹ bị tiêu chảy có cho con bú được không?”.
Nguyên nhân gây tiêu chảy ở mẹ sau sinh
Trước khi biết được mẹ bị tiêu chảy có nên cho con bú, cùng truy tìm nguyên nhân vì sao mẹ sau sinh, đang cho con bú bị tiêu chảy. Nguyên nhân gây tiêu chảy thường do virus hoặc vi khuẩn gây ra và kéo dài khoảng 2 đến 3 ngày. Mẹ sau sinh đang cho con bú cũng có thể bị tiêu chảy cấp do những nguyên nhân phổ biến sau:
- Viêm dạ dày ruột do virus hoặc vi khuẩn
- Dị ứng thực phẩm, ngộ độc thực phẩm
- Tiêu chảy do tác dụng phụ của một số loại thuốc
- Không dung nạp lactose khi uống sữa hoặc tiêu thụ các sản phẩm từ sữa
- Ăn phải các thực phẩm gây rối loạn tiêu hóa.
Đối với trường hợp tiêu chảy mãn tính, tình trạng này thường là do mẹ mắc phải một trong những bệnh lý sau:
- Bệnh Celiac
- Hội chứng ruột kích thích (IBS)
- Viêm đại tràng vi thể
- Các bệnh viêm ruột như viêm loét đại tràng và bệnh Crohn
- Suy tuyến tụy ngoại tiết gây ra tình trạng tiêu chảy phân mỡ, nghĩa là có chất béo trong phân.
Mẹ bị tiêu chảy có cho con bú được không?
1. Giải đáp: Mẹ bị tiêu chảy có cho con bú được không?
“Mẹ bị tiêu chảy có cho con bú được không?”, “Mẹ bị đau bụng cho con bú con có bị đau bụng không?” thường là những mối quan tâm hàng đầu của các mẹ khi bị tiêu chảy trong giai đoạn nuôi con bằng sữa mẹ.
Thực chất, bạn không nhất thiết phải ngừng việc cho con bú khi bị tiêu chảy. Bởi vì lúc này, hệ thống miễn dịch của mẹ vẫn có khả năng đối phó với nhiễm trùng. Điều này đồng nghĩa rằng các kháng thể vẫn sẽ được truyền sang em bé qua sữa mẹ, từ đó giúp trẻ chống lại các bệnh truyền nhiễm tốt hơn.
2. Làm thế nào để tránh lây nhiễm cho bé?
Nhìn chung, mẹ cho con bú bị tiêu chảy vẫn có thể tiếp tục cho con bú như bình thường. Tuy nhiên, để tránh lây nhiễm cho bé, mẹ cần đảm bảo thường xuyên rửa tay, chẳng hạn như sau khi đi vệ sinh và trước khi chạm vào thức ăn hoặc tiếp xúc với em bé hay đồ dùng của bé.
Đồng thời, điều quan trọng là mẹ không nên tùy tiện dùng thuốc trị tiêu chảy khi đang cho con bú mà nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng bất kỳ loại thuốc nào.
Mẹ cho con bú bị tiêu chảy phải làm sao? Gợi ý 6 giải pháp điều trị không dùng thuốc
Đến đây, chắc hẳn là bạn không còn băn khoăn “Mẹ bị đau bụng cho con bú có sao không?” hay “Mẹ bị tiêu chảy có cho con bú được không?” nữa rồi. Tình trạng tiêu chảy không nghiêm trọng thường có thể tự khỏi và dễ dàng kiểm soát tại nhà. Mẹ đang cho con bú có thể cân nhắc một số biện pháp đơn giản sau đây để điều trị tiêu chảy mà không cần dùng thuốc:
1. Giữ nước cho cơ thể
Khi bị tiêu chảy, các bà mẹ đang cho con bú thường có nguy cơ mất nước cao hơn những người khác do cơ thể bạn cần nước để sản xuất sữa mẹ. Vì vậy, lời khuyên là mẹ bị tiêu chảy cần đảm bảo uống đủ nước suốt cả ngày.
Các nguồn chất lỏng mẹ có thể dung nạp bao gồm nước lọc, nước ép trái cây pha loãng và nước canh. Mẹ cũng có thể hỏi ý kiến bác sĩ về việc dùng thêm dung dịch bù nước và điện giải để bù nước hiệu quả hơn.
2. Bổ sung thực phẩm chứa probiotic (men vi sinh)
Các chủng vi khuẩn sống có lợi còn được gọi là probiotic hoặc men vi sinh đã được chứng minh là tốt cho hệ tiêu hóa. Vì vậy, mẹ có thể chọn cách bổ sung probiotic từ sữa chua hoặc sữa chua nấm Kefir để bù lại những lợi khuẩn đã mất do tiêu chảy. Tuy nhiên, bạn nên chọn sữa chua không đường hoặc ít đường vì thực phẩm nhiều đường có thể khiến tiêu chảy trầm trọng hơn.
3. Uống trà hoa cúc
Trà hoa cúc được biết đến là có thể làm dịu sự khó chịu của dạ dày. Loại trà thảo mộc này còn giúp giảm cơn đau và tình trạng viêm thông qua việc “thư giãn” các cơ cùng với niêm mạc ruột.
Điều này nghĩa là trà hoa cúc cũng rất hữu ích trong điều trị tiêu chảy từ mức độ nhẹ đến trung bình và cũng là nguồn giúp bạn bổ sung chất lỏng để giữ nước cho cơ thể.
4. Uống trà lá mâm xôi đỏ
Trà lá mâm xôi đỏ được biết đến là loại trà tốt cho sức khỏe, bao gồm cả lợi ích đối với hệ tiêu hóa. Mẹ đang cho con bú có thể uống loại trà này để hỗ trợ cầm tiêu chảy nhưng nên uống với lượng vừa phải không vượt quá 3 cốc mỗi ngày.
5. Dùng giấm táo để giảm tiêu chảy
Mặc dù không có bằng chứng cụ thể nhưng dùng giấm táo là cách được nhiều người áp dụng để ngăn chặn cơn tiêu chảy. Bạn có thể pha loãng một muỗng canh giấm táo với nước và uống cho đến khi tình trạng đi tiêu phân lỏng giảm.
6. Lưu ý đến các thực phẩm cần tránh
Để làm giảm cơn đau bụng và tiêu chảy, bạn nên ăn các món thanh đạm và ít chất xơ, điển hình là chế độ BRAT khuyến khích bạn ăn chuối, cơm, táo và bánh mì nướng để làm giảm các triệu chứng khó chịu. Bên cạnh đó, bạn nên tránh ăn các thực phẩm như:
- Thực phẩm nhiều dầu mỡ
- Thức ăn nhiều gia vị
- Sữa hoặc các sản phẩm từ sữa không chứa men vi sinh
- Trái cây và rau sống
- Ngũ cốc nguyên hạt
- Thực phẩm hoặc đồ uống nhiều đường.
Nhìn chung, mẹ không nên lo lắng nếu tiêu chảy chỉ kéo dài từ 2 đến 3 ngày. Đối với vấn đề “mẹ bị tiêu chảy có cho con bú được không?” thì mẹ yên tâm là vẫn có thể tiếp tục cho bé bú mà không gây ra bất kỳ ảnh hưởng xấu nào. Điều quan trọng là mẹ cần nghỉ ngơi đầy đủ, chú ý bổ sung đủ nước và giữ gìn vệ sinh cá nhân. Nếu tiêu chảy có xu hướng nghiêm trọng như kéo dài, đi ngoài ra máu kèm sốt thì mẹ cần đi khám. Lưu ý là mẹ không nên tùy tiện dùng thuốc mà cần tham khảo ý kiến bác sĩ nhé!
[embed-health-tool-vaccination-tool]