Từ lâu, khu du lịch sinh thái Hầm Hô đã trở thành địa điểm du lịch thiên nhiên lý thú, hấp dẫn đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh Bình Định. Do đó, nếu đang tìm kiếm một điểm đến cho mùa hè này thì bạn đọc có thể lựa chọn nơi đây.
Đôi nét về Khu du lịch sinh thái Hầm Hô
Khu du lịch sinh thái Hầm Hô nằm dưới chân núi Trường Sơn kì vĩ và thuộc quyền quản lý của Công ty Cổ phần Du lịch Hầm Hô Rosa Alba. Thực chất, Hầm Hô là một đoạn suối nhỏ, dài khoảng 3km và được tạo thành từ 2 nhánh sông Đồng Hưu và Sông Cát đổ vào hạ lưu sông Phú Phong (hay còn gọi sông Kút).
Nơi đây gây ấn tượng mạnh mẽ với cánh rừng xanh bát ngát, chạy dọc theo hai bên bờ sông trong vắt, cùng với những tảng đá to lớn, dựng thành vách. Thêm vào đó là tiếng chim hót véo von, tiếng suối chảy rì rào, từ đó tạo nên một “bức tranh” sơn thủy non nước đẹp tuyệt trần, tựa chốn bồng lai tiên cảnh giữa đất trời hùng vĩ.
Vì vậy, nơi đây đích thực là điểm đến vô cùng lý tưởng cho khách du lịch, nhất là những người yêu thích và muốn được hòa mình vào thiên nhiên, cảnh sắc hữu tình và vứt bỏ hết tất cả muộn phiền, nỗi niềm cất giấu trong tâm trí.
Theo lịch sử xưa thì cách đây 200 năm trước, Hầm Hô chính là nơi rèn quân luyện võ của danh tướng Võ Văn Dũng, đồng thời cũng là địa điểm huấn luyện voi của nữ tướng Bùi Thị Xuân. Sau đó, cả 2 đã chung tay góp sức với các thủ lĩnh Tây Sơn để phất cao ngọn cờ, dẫn đầu cuộc khởi nghĩa chống lại kẻ thù.
Không chỉ vậy, từ giữa năm 1885 đến giữa năm 1887, nguyên soái đạo quân Cần Vương - Mai Xuân Thưởng cùng với nghĩa quân của mình đã tận dụng địa thế hiểm trở của Hầm Hô để khiến cho giặc Pháp tổn thất nặng nề và rút chạy trong sợ hãi, kinh hoàng.
Lý giải tên gọi “Hầm Hô”
Không biết từ khi nào mà cái tên “Hầm Hô” đã được đặt cho danh thắng này. Ngay cả người dân địa phương, khi được hỏi, họ cũng đều lý giải theo một cách khác nhau.
Có người cho rằng tên gọi này được đặt theo địa hình đặc thù ở đây. Theo đó, Miệng Hầm Hô nhìn giống như một miệng hầm chứa đầy nước với những hòn, tảng đá mọc lởm chởm trông như hàm răng hô.
Một người khác lại giải thích là vì ở đây có một thác nước cao khoảng 6-7m đổ thẳng xuống một hầm đá rộng lớn tạo thành tiếng vọng ầm ồ rất lớn, nghe giống như tiếng hô hoán, báo cho người chèo bè trên suối biết rằng sắp đến khu vực nguy hiểm để kịp thời đề phòng.
Khu du lịch sinh thái Hầm Hô ở đâu? Thời điểm du lịch lý tưởng và cách di chuyển
Khu du lịch sinh thái Hầm Hô tọa lạc ở xã Tây Phú, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định và cách trung tâm TP. Quy Nhơn khoảng 50km về phía Tây Bắc, cách Bảo tàng Quang Trung khoảng 5km.
Thời điểm lý tưởng để đến đây là từ tháng 2 đến tháng 8. Khoảng thời gian này là mùa khô ở Bình Định nên trời sẽ có không mưa, khí hậu trong lành nên cực kỳ thuận tiện cho việc chụp hình sống ảo hoặc các hoạt động vui chơi ngoài trời. Tuy nhiên, nắng nóng cũng rất gay gắt nên bạn cần chuẩn bị đầy đủ mũ nón, áo khoác dài tay, kem chống nắng,…
Bên cạnh đó, du khách không nên đến Hầm Hô vào các tháng 10, 11 và 12 vì thời điểm này là mùa mưa ở Bình Định. Cũng vào lúc này, nước tại Hầm Hô sẽ dâng cao, chảy khá xiết nên rất nguy hiểm và không tiện lợi cho các hoạt động thăm thú, trải nghiệm.
Đường đến Khu du lịch sinh thái Hầm Hô khá dễ đi nên bạn không phải quá e ngại về vấn đề đường xấu hay khó tìm. Khi xuất phát từ trung tâm TP. Quy Nhơn, bạn chạy dọc theo Quốc lộ 1 về phía Tây Bắc đến đoạn vào Quốc lộ 19B thì rẽ trái và tiếp tục chạy đến huyện Tây Sơn. Sau đó, đi thêm khoảng 3km nữa sẽ thấy cây cầu bắc ngang qua sông Kút. Từ đây, bạn sẽ thấy bảng chỉ dẫn đến Hầm Hô.
Về phương tiện di chuyển thì bạn có thể chọn tự đi bằng xe máy, ô tô, xe buýt hoặc gọi xe taxi hay thuê xe tự lái.
Giá vé tham quan Khu du lịch sinh thái Hầm Hô
Dưới đây là chi tiết bảng giá vé tham quan và các dịch vụ tại Khu du lịch sinh thái Hầm Hô, bao gồm:
- Vé vào cổng Người lớn (cao từ trên 1,2m): 25.000 VNĐ/vé
- Vé giữ xe máy: 5.000 VNĐ/lượt
- Vé giữ xe ô tô dưới 7 chỗ: 15.000 VNĐ/lượt
- Vé giữ xe ô tô trên 7 chỗ: 20.000 VNĐ/lượt
- Đi thuyền trên sông Kút: 45.000 VNĐ/người/lượt.
- Đi thuyền trên sông Kút (chuyến dưới 4 khách): 180.000 VNĐ/chuyến
- Xe điện trung chuyển (từ cổng đến nhà hàng hoặc ngược lại): 30.000 VNĐ/vé
- Xe điện trung chuyển (dưới 6 khách, từ cổng đến nhà hàng hoặc ngược lại): 200.000 VNĐ/chuyến
- Thuê nhà sàn trên suối Hầm Hô: 350.000 VNĐ/nhà
- Thuê loa di động: 200.000 VNĐ/1 giờ
- Thuê loa di động tại nhà hàng Lộc Vừng (từ tiếng thứ 5 trở đi): 1.000.000 VNĐ/suất 4 tiếng
- Khách sạn 1 sao - thuê trong ngày: 250.000 VNĐ/phòng/lượt
- Khách sạn 1 sao - thuê qua đêm: 350.000 - 400.000 - 450.000 VNĐ tương ứng 2 người - 3 người - 4 người
- Thuê bãi cỏ chơi Teambuilding dưới 50 khách: 1.000.000 VNĐ/ngày
- Thuê bãi cỏ chơi Teambuilding trên 50 khách: 1.500.000 VNĐ/ngày
- Đốt lửa trại: 1.500.000 VNĐ/suất
- Thuê xe đạp đơn - đôi: 50.000 - 70.000 VNĐ/giờ
- Thuê cần câu, mồi câu: 50.000 VNĐ/giờ
- Chế biến cá, phục vụ tận nơi: 160.000 VNĐ/kg
- Thuê võng/ghế xếp nghỉ trưa, áo phao: 20.000 VNĐ/cái
- Xu đu chụp hình: 20.000 VNĐ/lượt
- Chương trình Gala “Đêm giữa Đại ngàn Hầm Hô”, gồm: đốt lửa trại, xem biểu diễn võ thuật và giao lưu, dân ca Bài Chòi Bình Định: báo giá tùy thời điểm
- Biểu diễn Trống trận Quang Trung và Nhạc võ: báo giá tùy thời điểm
- Học làm bánh cổ truyền miền Trung (bánh xèo, bánh ít lá gai, bánh in đậu xanh/đậu đen,…) và được mang thành phẩm về: báo giá tùy thời điểm
Những điểm tham quan nổi bật ở Khu du lịch sinh thái Hầm Hô
Dưới đây là những điểm tham quan nổi bật mà du khách không nên bỏ lỡ khi đến với Khu du lịch sinh thái Hầm Hô, bao gồm:
Dinh Tiền Hiền
Dinh Tiền Hiền là một ngôi đền khá nhỏ, nằm trên sườn đồi của tả ngạn sông Hầm Hô và được lập ra bởi nhằm thờ phượng anh em ông Lê Kim Bôi và Lê Kim Bảng. Hai ông là người có công xây dựng công trình thủy lợi ngăn sông tại đây.
Tương truyền rằng, vào cuối thế kỉ XVIII thời Hậu Lê, ông Lê Kim Bôi được phong chức Điền sứ, chịu trách nhiệm xây dựng các công trình thuỷ lợi, dẫn nước vào ruộng nhằm mở rộng đất đai cho bà con.
Chẳng may, ông Bôi qua đời khi công trình vẫn chưa được hoàn thiện. Sau đó, ông Lê Kim Bảng tiếp tục phần việc còn dang dở của anh trai mình. Để tưởng nhớ công đức lớn lao đó, người dân trong làng đã lập ra một đền nhỏ để thờ phượng hai anh em ông ngay bên cạnh đập.
Đập Hầm Hô
Đập Hầm Hô chính là công trình thuỷ lợi do cặp anh em Kim Bảng - Kim Bôi xây dựng năm xưa, được giới thiệu bên trên. Lúc bấy giờ, đập được xây từ sức người, tâm huyết và những vật liệu, dụng cụ thô sơ nhất.
Hiện nay, Đập đã được tu sửa bằng bê tông để gia tăng thêm sự chắc chắn, bền vững. Nhờ có Bờ đập này mà nước suối trở nên êm ả, tĩnh lặng và trở thành một bến đò để chuyên chở hành khách qua lại con sông, đồng thời còn là đường đi sang phía bên kia tả ngạn.
Bờ đập đẹp nhất là khi nước vừa tràn qua và chảy xuống rào rào, trông như chiếc rèm màu ngọc lung linh, lấp lánh. Tại đây, du khách có thể chọn di chuyển bằng ghe hoặc thuyền để đi sâu vào trong Hầm Hô và tham quan thắng cảnh. Ngoài ra, còn có thể đi bộ, tập thể dục trên con đường mòn, lối đi dành riêng cho xe đạp, xe điện và người đi bộ.
Đá Đôi
Ở khu vực Đập Hầm Hô có hai hòn đá lớn nhô lên khỏi mặt nước và nằm gần nhau nên được người ta đặt tên là Đá Đôi, đồng thời còn cho rằng hòn nhỏ là hòn trống và hòn lớn là hòn mái.
Đá Đôi vẫn đứng vững ở đó, dù đã trải qua bao cuộc chiến gian khổ hay những trận lũ siêu lớn. Điều này tượng trưng cho tình cảm đôi lứa vẫn gắn bó bền chặt dù phải trải qua biết bao gian truân, khổ ải.
Từ đó, phát sinh một quan niệm khá thú vị rằng nếu thành tâm cầu khấn trước Đá Đôi thì những ai lận đận về đường tình duyên sẽ sớm tìm được một người “tâm đầu ý hợp”. Còn nếu đã có gia đình thì sẽ hạnh phúc viên mãn.
Thác cá bay
Thác cá bay còn có một tên gọi khác là Miệng Hầm Hô. Đây là nơi mà các loại cá sẽ trở về sau khi xuống hạ nguồn, thậm chí là ra biển để sinh sản. Tại Miệng Hầm Hô vào mùa lũ, nước sẽ chảy rất mạnh và xiết nên để vượt qua được, chúng phải “bay lên” không trung xuyên qua vách đá và “lao xuống” thác để về nguồn.
Cứ vào độ tháng 3 Âm lịch hằng năm, khi gió nam thổi thì cá cũng bắt đầu hành trình “vượt thác”. Khi ấy, người dân trong làng sẽ dựng sẵn trên vách đá những chiếc rổ đan bằng tre nứa để hứng cá, trông rất vui mắt và cuốn hút.
Bên cạnh những địa điểm nêu trên, du khách cũng có thể tìm đến những danh thắng khác, chẳng hạn như: hang Bảy Cử, Đá Chùm, Đá Bàn cờ, Đá Dựng, Đá Trải, Đá Bóp vú,…
Các hoạt động hấp dẫn tại Khu du lịch sinh thái Hầm Hô
Khi đến với Khu du lịch sinh thái Hầm Hô, song song với việc thưởng ngoạn tuyệt cảnh thiên nhiên, non nước hữu tình thì du khách cũng có thể tham gia vào những hoạt động thú vị, lý thú, như là:
- Đi thuyền tham quan cảnh sắc
Chiếc thuyền nhẹ lướt trên mặt nước trong veo sẽ đưa bạn đi sâu vào trong rừng. Lúc này, bạn có thể tận mắt ngắm nhìn những bụi cây um tùm chạy dọc bờ sông và thưởng thức tiếng hót lảnh lót của chim rừng, tiếng nước chảy róc rách, tiếng chèo khua nước,…
Du khách chỉ việc ngồi yên trên thuyền vừa thưởng ngoại cảnh sắc thiên nhiên vừa tận hưởng không gian yên bình, thanh thản. Thuyền sẽ chở bạn đi qua Đá Đôi, Đá Thành, hang Bảy Cử, hòn Bóng, hòn Bánh Ít, hòn Chuông,…
- Đạp xe trên nước
Thỏa thích khám phá cảnh vật bằng những chiếc xe đạp nước thể thao chuyên dụng sẽ mang đến cho du khách những trải nghiệm cực kỳ mới mẻ và thú vị.
- Câu cá
Trong Khu du lịch sinh thái Hầm Hô có bố trí những chiếc chòi gỗ lợp mái mát mẻ để du khách ngồi câu cá ở các hồ cá nhân tạo (diện tích khoảng 600m2). Câu được con cá nào, bạn có thể yêu cầu nhà hàng sơ chế và chế biến thành món ngay tại chỗ để thưởng thức.
Hoặc bạn cũng có thể tìm đến các vực sâu hay thác ghềnh để câu cá tự nhiên trên dòng sông Kút. Tuy nhiên, cần phải tuyệt đối cẩn thận để tránh té ngã, chết đuối,…
- Các hoạt động khác
Bên cạnh những hoạt động kể trên, du khách còn tham gia vào các hoạt động thú vị không kém khác, ví dụ như: xem biểu diễn nghệ thuật, chương trình âm nhạc, thưởng thức dân ca Bài chòi Bình Định, học làm bánh cổ truyền,…
Ngoài ra, du khách có thể tự chuẩn bị đồ đạc và dựng lều cắm trại, tổ chức tiệc nướng BBQ, đốt lửa trại,… cùng với gia đình, người thân hay bạn bè.
Những món đặc sản nên thử khi đến Khu du lịch sinh thái Hầm Hô
Trong Khu du lịch sinh thái Hầm Hô, có một nhà hàng tên là Lộc Vừng chuyên về các món đặc sản ở địa phương nên bạn có thể tìm đến đây để nghỉ chân và trải nghiệm ẩm thực vùng miền. Một số món ăn nổi bật tại đây, có thể kể đến như:
- Cá mương cuốn bánh tráng
Cá mương ở đây khá nhỏ, chủ yếu sống ở sông suối và nướng hay chiên cũng đều rất ngon, đáng thử. Ở Hầm Hô cá mương sẽ được chiên vàng giòn và cuốn bánh tráng chung với rau, giá sống, dưa leo, bún tươi, sau đó, chấm vào chén nước mắm ớt. Đảm bảo mang đến cho du khách một ấn tượng khó phai.
- Chim mía rô-ti
Chim mía khá giống với chim sẻ và thường sống ở khu vực có nhiều cánh đồng mía, điển hình như Thị trấn Phú Phong (huyện Tây Sơn). Khi rô-ti, thịt chim mía dậy mùi thơm và có vị mằn mặn nên rất thích hợp để ăn với cơm nóng hoặc làm mồi nhắm trong khi nhâm nhi với rượu Bàu đá Bình Định trứ danh.
- Rau lang luộc chấm mắm cua
Rau lang luộc thì ở đâu cũng có và quá đỗi bình thường, nhưng điều tạo nên sức hấp dẫn của món ăn này đó là phần mắm cua đồng thơm lừng, cay cay và ngậy béo. Gắp một đũa rau lang luộc vừa chín tới chấm vào chén mắm cua đồng sẽ tạo nên một hương vị bùng nổ trong khoang miệng khiến cho thực khách nhớ mãi không quên.
- Dé bò nấu lá giang
Dé bò nấu lá giang cũng là một món ăn đặc trưng của vùng đất Tây Sơn (Bình Định) mà du khách nên thử khi đến đây. Chan nước dé bò nóng hổi vào chén bún tươi và ăn kèm với rau, giá, khổ qua sống, bánh tráng, người dùng sẽ cảm nhận được vị đăng đắng đến từ nước dé, vị chua chua của lá giang, vị cay của ớt, cũng như vị thanh mát của các loại rau dân dã.
Lần đầu trải nghiệm có thể sẽ hơi khó ăn, nhất là những người không chịu được vị đắng, nhưng một khi đã ăn được thì sẽ vấn vương mãi cái hương vị độc đáo đó. Món ăn này càng ngon hơn khi kết hợp với vị cay nồng của rượu Bàu đá, đảm bảo sẽ đem tới cho bạn một trải nghiệm đáng nhớ.
Một số kinh nghiệm hữu ích khi du lịch đến Hầm Hô
Nếu đã lựa chọn Khu du lịch sinh thái Hầm Hô cho chuyến đi sắp tới thì du khách nên tham khảo những kinh nghiệm hữu ích mà Quy Nhơn Review đúc kết dưới đây, bao gồm:
- Nên đến Hầm Hô vào thời điểm mùa khô (từ tháng 2 - tháng 8) và không nên đi vào mùa mưa (tháng 10 - tháng 12)
- Nếu tổ chức picnic thì bạn nhớ dọn dẹp sạch sẽ, vứt rác đúng nơi quy định trước khi ra về
- Nên lựa chọn trang phục gọn gàng, thoải mái và dễ vận động vì địa hình đặc thù ở đây chủ yếu là sông suối và đá lởm chởm, gồ ghề
- Nên mang giày thể thao (có thêm phần đế chống trơn trượt thì càng tốt) để tiện cho việc di chuyển. Không nên chọn giày cao gót hay các loại dép không có độ bám tốt
- Nên đem theo các đồ dùng, dụng cụ y tế và một vài loại thuốc cơ bản để sử dụng trong những trường hợp cần thiết
- Nên mang đầy đủ kem chống nắng, áo khoác dài tay, mũ nón để bảo vệ làn da khỏi sự tiếp xúc của ánh nắng mặt trời
Trên đây là những thông tin xoay quanh Khu du lịch sinh thái Hầm Hô cùng với một vài kinh nghiệm hay ho mà bạn đọc có thể tham khảo để có được chuyến đi trọn vẹn, mỹ mãn và thu về hàng trăm bức hình sống ảo đẹp miễn chê.