Hạ Long là Thành phố thủ phủ, trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, thương mại, dịch vụ của tỉnh Quảng Ninh với Vịnh Hạ Long, được Unesco công nhận là di sản thiên nhiên của thế giới. Tên Thành phố được đặt theo tên của vịnh Hạ Long (tên Hạ Long nghĩa là "Rồng bay xuống”). Thực hiện Nghị quyết 837/NQ-UBTVQH14 ngày 17/12/2019 của Ủy Ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tỉnh Quảng Ninh, sau sáp nhập địa giới hành chính với huyện Hoành Bồ, thành phố Hạ Long trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước với tổng diện tích đất liền là 1.119,36 km²; tổng diện tích mặt nước: 126,8 km², có bờ biển dài gần 50 km với 33 đơn vị hành chính gồm 21 phường, 12 xã; tổng dân số 362.407 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số có 21.635 người (chiếm 5% dân số).
1. Tên gọi
Về tên gọi Hạ Long truyền thuyết kể rằng: Khi mới vừa lập nước, trong một lần Việt Nam bị giặc ngoại xâm, nhà Trời đã sai Rồng mẹ cùng đàn Rồng Con của mình xuống hạ giới để giúp đỡ người Việt đánh giặc. Đàn rồng phun ra muôn nghìn châu ngọc biến thành muôn đảo đá màu ngọc thạch, chỗ kết lại như bức tường thành, chỗ giàn ra thành trận địa, chặn bước tiến quân giặc, tạo điều kiện cho quân ta chiến thắng. Khi giặc đã tan, người Việt thoát khỏi nguy cơ ngoại xâm đô hộ. Đàn Rồng quyến luyến vùng non nước này không trở về tiên giới nữa, mà ở lại trần gian. Chỗ Rồng Mẹ đáp xuống chính là Vịnh Hạ Long còn nơi đàn Rồng Con xuống và quỳ lạy mẹ là Bái Tử Long (Dẫn theo: Địa chí Quảng Ninh, tập 3, NXB. Thế giới, Hà Nội, 2003, tr.78).
2. Vị trí địa lý
Thành phố Hạ Long nằm tại điểm tây bắc của Vịnh Bắc Bộ. Phía Đông giáp thành phố Cẩm Phả; phía Tây giáp thành phố Uông Bí và thị xã Quảng Yên; phía Nam giáp huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng và Vịnh Hạ Long; phía Bắc giáp huyện Sơn Động, Bắc Giang và huyện Ba Chẽ. Diện tích tự nhiên của thành phố bao gồm phần diện tích trên đất liền và hàng trăm đảo đá vôi trên các vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long và vịnh Lan Hạ.
Là thủ phủ tập trung các cơ quan đầu não của tỉnh Quảng Ninh, Thành phố Hạ Long được xác định là một trong ba đỉnh của tam giác tăng trưởng kinh tế vùng đồng bằng Bắc Bộ: Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Thành phố Hạ Long có vị trí đặc biệt thuận lợi. Với nội địa, đây là một cửa ngõ quan trọng hướng ra biển của vùng đồng bằng Bắc Bộ và cả vùng trung du và miền núi Đông Bắc - Việt Bắc. Với các nước trong khu vực và quốc tế, thành phố Hạ Long nằm liền kề vùng phát triển Nam Trung Hoa và xa hơn là cả khu vực kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương rộng lớn đang phát triển năng động. Thành phố Hạ Long là vùng đất được thiên nhiên ban tặng nhiều nguồn tài nguyên quý giá, đặc biệt là kỳ quan Vịnh Hạ Long. Nếu ven biển là những cảng nước sâu thuận lợi cho tàu thuyền cập bến thì trong lòng đất lại có than, đất sét, đá vôi… Thành phố vừa có ngư trường lại vừa có lâm trường với trữ lượng và tiềm năng khai thác dồi dào, phong phú.
Khu vực trung tâm Thành phố Hạ Long
3. Điều kiện tự nhiên
Thành phố Hạ Long có địa hình đa dạng và phức tạp thuộc loại đồi núi tiếp giáp biển, nằm trong hệ thống cánh cung Đông Triều - Móng Cái, thấp dần từ Bắc xuống Nam, bao gồm cả đồi núi, thung lũng, vùng ven biển và hải đảo. Đây cũng là một trong những khu vực hình thành lâu đời nhất trên lãnh thổ Việt Nam, được chia thành 3 vùng rõ rệt gồm: Vùng đồi núi bao bọc phía Bắc và Đông Bắc, vùng ven biển ở phía Nam quốc lộ 18A và vùng hải đảo. Trong đó, vùng đồi núi bao bọc phía Bắc và Đông Bắc chiếm 70% diện tích, độ cao trung bình từ 150 - 250m và thấp dần về phía biển, độ dốc trung bình từ 15 - 20%, xen giữa là các thung lũng nhỏ hẹp. Vùng ven biển ở phía Nam quốc lộ 18A, độ cao trung bình từ 0,5 - 5m và vùng hải đảo bao gồm toàn bộ vùng vịnh với hàng nghìn hòn đảo lớn nhỏ, chủ yếu là đảo đá. Kết cấu địa chất của thành phố Hạ Long chủ yếu là đất sỏi sạn, cuội sỏi, cát kết, cát sét... ổn định và có cường độ chịu tải cao, thuận lợi cho việc xây dựng các công trình. Khoáng sản chủ yếu là than đá và nguyên vật liệu xây dựng.
Điều kiện tự nhiên, địa hình, địa mạo đã tạo cho thành phố Hạ Long có một vị trí quan trọng về quốc phòng - an ninh. Trong kháng chiến, khu vực rừng núi có nhiều hang động rất thuận lợi cho xây dựng căn cứ và sơ tán. Hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy thuận lợi cơ động lực lượng, vận chuyển vũ khí, lương thực, thực phẩm...
Trung tâm thành phố trải dài và chia thành 2 khu vực chính: phía Đông và phía Tây ngăn cách bởi eo biển Cửa Lục. Nối hai bờ Cửa Lục là cầu Bãi Cháy - một trong năm cây cầu dây văng một mặt phẳng có khẩu độ lớn nhất thế giới. Phía Đông thành phố là trung tâm chính trị, hành chính, thương mại và công nghiệp khai thác than của tỉnh và thành phố. Phía Tây là trung tâm du lịch, dịch vụ; có khu công nghiệp đóng tàu, khu sản xuất vật liệu, cảng biển với công suất lớn, hiện đại tầm cỡ quốc gia. Nơi đây nổi tiếng với khu du lịch Bãi Cháy, Tuần Châu; có Vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới về cảnh quan (năm 1994) và về địa chất, địa mạo (năm 2000) và tổ chức New7Wonders công nhận là một trong 7 Kỳ quan Thiên nhiên mới của thế giới (năm 2012). Vì thế Hạ Long trở thành một trong những điểm du lịch nổi tiếng trong nước, khu vực và thế giới.
Khu vực trung tâm Thành phố Hạ Long
4. Khí hậu
Thành phố Hạ Long có khí hậu nhiệt đới ẩm, gió mùa, theo tiết trời có 4 mùa xuân, hạ, thu, đông. Tuy nhiên, do có địa hình phức tạp, nằm sát biển nên thành phố chịu ảnh hưởng sâu sắc của vùng khí hậu Đông Bắc - một kiểu khí hậu pha trộn giữa vùng núi và ven biển. Theo lượng mưa có 2 mùa rõ rệt (mùa mưa và mùa khô). Nhiệt độ trung bình trong năm là 23,7°C. Lượng mưa trung bình là 1.832mm, phân bố không đều. Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10, chiếm từ 89% tổng lượng mưa cả năm; với gió Nam (hoặc Đông Nam) là chủ yếu. Mùa khô thường bắt đầu từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau, hướng gió thịnh hành là gió Bắc (hoặc Đông Bắc). Độ ẩm không khí trung bình hằng năm 84%. Do nằm phía trong vùng biển có hàng nghìn hòn đảo đá lớn, nhỏ bao bọc, nên nơi đây ít chịu ảnh hưởng của những cơn bão lớn, cấp lớn nhất chỉ với sức gió cấp 9-10.
5. Sông ngòi và chế độ thủy triều
Nguồn sinh thủy của thành phố rất dồi dào với hệ thống sông, suối đa dạng phân bố tương đối đồng đều, chủ yếu bắt nguồn từ các dãy núi cao ở phía Bắc chảy theo hướng Bắc - Nam, rồi đổ ra biển. Do cấu tạo địa hình, nên các con sông, suối ở phía Tây Bắc và phía Bắc của thành phố có đặc điểm: ngắn, dốc, thường xuất hiện lũ vào mùa mưa, nhất là từ tháng 6 đến tháng 10, đỉnh lũ vào tháng 7 (hoặc tháng 8). Các sông, suối ở phía Nam thành phố đều nhỏ, ngắn, lưu lượng nước không nhiều. Các sông, suối lớn chảy qua địa phận thành phố có sông: Vũ Oai, Diễn Vọng, Hốt, Man, Trới và các suối: Lưỡng Kỳ, Đồng Vải, Thác Cát... đều đổ vào vụng Cửa Lục, rồi chảy ra Vịnh Hạ Long. Biên độ dao dộng thủy triều trung bình của vùng biển Hạ Long chịu ảnh hưởng trực tiếp của chế độ nhật triều vịnh Bắc Bộ với biên độ dao động thủy triều trung bình là 3,6m. Nhiệt độ nước biển ở lớp bề mặt trung bình là 18°C đến 30,8°C; độ mặn nước biển trung bình là 21,6% (vào tháng 7), cao nhất là 32,4% (vào tháng 2 và 3 hằng năm).
6. Tài nguyên thiên nhiên
6.1. Tài nguyên khoáng sản
Thành phố Hạ Long có nguồn tài nguyên khoáng sản đa dạng, phong phú, đặc biệt là than. Tổng trữ lượng than đá đã thăm dò được đến năm 2021 là trên 530 triệu tấn nằm trên địa bàn các phường Hà Khánh, Hà Lầm, Hà Trung, Hà Phong, Hà Tu (Đại Yên và Việt Hưng nằm trong vùng cấm hoạt động khoáng sản). Ngoài ra, ở đây còn có nhiều núi đá vôi, mỏ đất sét, mỏ kim loại... thuận lợi cho việc phát triển công nghiệp như: đất sét ở vùng Giếng Đáy phục vụ làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng, trữ lượng triển vọng khoảng trên 39 triệu tấn; đá vôi phục vụ làm nguyên liệu xi măng và vật liệu xây dựng tập trung tại phường Hà Phong và khu vực Đại Yên, trữ lượng hiện còn khoảng trên 15 triệu tấn có thể khai thác được. Thành phố có các khu vực có thể khai thác cát xây dựng tại ven biển phường Hà Phong, Hà Khánh, khu vực sông Trới tiếp giáp Hà Khẩu, Việt Hưng... tuy nhiên trữ lượng không đáng kể. Hạ Long là một trong số ít địa phương có nền sản xuất công nghiệp (chủ yếu là công nghiệp than) sớm nhất đất nước và là một trong những cái nôi của giai cấp công nhân Việt Nam.
6.2. Tài nguyên biển
Do lợi thế có vịnh Hạ Long hai lần được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới. Với tổng diện tích 1.553 km² bao gồm 1.969 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó 989 đảo có tên và 980 đảo chưa có tên. Vùng Di sản được Thế giới công nhận có diện tích 434 km² bao gồm 775 đảo, như một hình tam giác với ba đỉnh là đảo Đầu Gỗ (phía tây), hồ Ba Hầm (phía nam) và đảo Cống Tây (phía đông). Với nhiều hang động đẹp và huyền ảo như hang Bồ Nâu, Trinh Nữ, Sửng Sốt, Đầu Gỗ, Thiên Cung, Tam Cung, Mê Cung đã đưa danh tiếng của vịnh Hạ Long là một trong những điểm du lịch nổi tiếng trên toàn thế giới… Thành phố có đường bờ biển dài với hàng nghìn hecta bãi triều gồm các loài ngập mặn, các loài thực vật ở bờ cát ven đảo, các loài mọc trên sườn núi và vách đá, trên đỉnh núi hoặc mọc ở cửa hang hay khe đá.
Vùng biển Hạ Long cũng rất phong phú về các loại động vật và thực vật dưới nước. Theo nghiên cứu có 950 loài cá, 500 loài động vật thân mềm và 400 loài giáp xác, trong đó có nhiều loài hải sản có giá trị kinh tế cao như cá thu, cá nhụ, cá song, cá tráp, cá chim và tôm, cua, mực, ngọc trai, bào ngư, sò huyết… 117 loài san hô thuộc 40 họ, 12 nhóm.
6.3. Tài nguyên nước
Tài nguyên nước của thành phố tập trung tại các công trình lớn như: hồ Yên Lập với dung tích 120 triệu m3, hồ Cao Vân, hồ Khe Cá tại phường Hà Tu và các đập Thác Nhòng trên sông Trới, đập sông Mằn, đập An Biên, Lưỡng Kỳ, Đồng Vải, Khe Khoai, Khe Chính, Dộc Cùng... cung cấp nước tưới cho hàng nghìn héc-ta đất canh tác và phục vụ sinh hoạt cho trên 60 vạn dân của các thành phố Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí, thị xã Quảng Yên, huyện Vân Đồn. Ngoài ra còn có các hồ điều hòa tạo cảnh quan cho thành phố như hồ: Yết Kiêu, Ao Cá - Kênh Đồng... Lượng nước ngầm trên địa bàn khá lớn, có khả năng khai thác từ 800 - 900m3/ngày đêm tại mỗi vị trí khoan.
6.4. Tài nguyên rừng
Tài nguyên rừng của Vịnh Hạ Long rất phong phú, đa dạng về chủng loại động, thực vật. Tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp của thành phố Hạ Long là 87.566 ha. Trong đó: tổng diện tích đất có rừng là 68.266,6 ha; diện tích đất chưa thành rừng và không có rừng quy hoạch cho lâm nghiệp là 19.300 ha, tỷ lệ che phủ rừng toàn thành phố đạt 61,0%:
6.4.1. Khu rừng đặc dụng bảo vệ cảnh quan vịnh Hạ Long:
Được xác định tại vùng lõi của vịnh Hạ Long, có diện tích 434 km2, với 775 hòn đảo (trong đó có 450 đảo đã có tên và 325 đảo chưa có tên); rừng đặc dụng bao gồm toàn bộ phần đảo nổi và rừng ngập mặn nằm trong di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long, thuộc địa bàn thành phố Hạ Long. Tổng diện tích rừng đặc dụng bảo vệ cảnh quan vịnh Hạ Long là: 5.032,22 ha, trong đó: Diện tích đất có rừng là 2.427,76 ha; Diện tích đất có thảm thực vật, cây bụi, dây leo và cây gỗ mọc rải rác là 2.604,46 ha; Các nhà nghiên cứu của Hiệp hội Bảo tồn thiên nhiên thế giới đã phát hiện 07 loài thực vật đặc hữu của vịnh Hạ Long. Những loài này chỉ thích nghi sống ở các đảo đá vôi vịnh Hạ Long, đó là: Tuế Hạ Long (Cycas topophylla), khổ cử đại tím (Chirieta halongensis), cọ Hạ Long (Livistona halongensis), khổ cử đại nhung (Chirieta hiepii), móng tai Hạ Long, ngũ gia bì Hạ Long, hài vệ nữ hoa vàng. Độ che phủ của rừng là 48,24%, bao gồm 3 phân khu chức năng và vùng đệm.
Danh mục các động, thực vật nằm trong danh mục cần được bảo vệ trong Hệ sinh thái rừng tự nhiên thuộc “Khu rừng đặc dụng bảo vệ cảnh quan vịnh Hạ Long” gồm:
+ 507 loài thực vật trên cạn thuộc 351 chi, 110 họ thực vật bậc cao có mạch; trong đó có 2 loài thực vật đặc hữu nổi bật trên vịnh Hạ Long là Cọ Hạ Long (Livistona halongemis) và Tuế Hạ Long (Cycas tropophylia);
+ 105 loài động vật ở cạn có xương sống, gồm: Chim có 71 loài thuộc 30 họ, 12 bộ; Thú có 22 loài; Bò sát có 8 loài; Lưỡng cư 04 loài. Trong đó có 9 toài động vật quý hiếm đã được nêu trong danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm ban hành kèm theo Nghị đinh 06/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019 của Chính phủ;
+ 102 loài san hô thuộc 11 họ san hô và 32 gen thuộc bộ Scleractinia. Ngoài ra các rạn san hô trong vịnh Hạ Long là nơi sinh sống của 180 loài thực vật phù du, 104 loài động vật phù du, 129 loài tảo, 118 loài gun đốt (Annelida), 11 loài bọt biển, 77 loài giáp xác, 15 loài da gai (Echinoderm) và 155 loài cá biển. Hệ sinh thái này có năng suất sinh học cao, đồng thời là bộ lọc tự nhiên giúp làm sạch môi trường nước.
6.4.2. Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng:
Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng với tổng số khoảng 1.027 loài thực vật (trong đó có các loại cây quý hiếm như Lim, Sến, Táu, Lát, Hương…) và khoảng 250 loài động vật (lớp thú gồm 8 bộ, 22 họ, 59 loài; lớp chim 18 bộ, 44 họ, 154 loài; bò sát lưỡng thể 37 loài) và hàng nghìn hecta rừng đặc dụng phần lớn là rừng thông nhựa.
Kinh tế rừng đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế chung của thành phố. Hiện nay, thành phố đã có những định hướng và chính sách phù hợp nhằm khai thác tối đa tiềm năng của rừng và đất rừng.
7. Hành chính
Thành phố Hạ Long gồm 33 đơn vị hành chính gồm 21 phường, 12 xã:
- 21 phường: Hà Khánh, Hà Lầm, Hà Trung, Hà Phong, Hà Tu, Hồng Hải, Cao Thắng, Cao Xanh, Yết Kiêu, Trần Hưng Đạo, Bạch Đằng, Hồng Gai, Bãi Cháy, Hồng Hà, Hà Khẩu, Giếng Đáy, Hùng Thắng, Tuần Châu, Việt Hưng, Đại Yên, Hoành Bồ.
- 12 xã: Bằng Cả, Dân Chủ, Đồng Lâm, Đồng Sơn, Hòa Bình, Kỳ Thượng, Lê Lợi, Quảng La, Sơn Dương, Tân Dân, Thống Nhất, Vũ Oai.
8. Lịch sử hình thành và phát triển Thành phố
Thành phố Hạ Long là vùng đất có lịch sử, văn hóa lâu đời. Các di chỉ khảo cổ học cho thấy cách đây trên 10.000 năm nơi đây đã là địa điểm cư trú của người Việt cổ (các di chỉ Văn hóa Soi Nhụ (niên đại cách ngày nay trên 10.000 năm); Văn hóa Cái Bèo (niên đại từ 7000 đến 5000 năm); Văn hóa Hạ Long (niên đại từ 5.000 đến 3.000 năm cách). Trải qua các thời kỳ lịch sử, vùng đất Hạ Long có sự thay đổi về địa danh và địa giới hành chính.
Thời Hùng Vương đến hết thời kỳ Bắc thuộc, địa bàn Hạ Long hiện nay thuộc bộ Ninh Hải.
Thời Tiền Lê (980 - 1009), địa bàn Hạ Long thuộc trấn (còn gọi là lộ) Triều Dương.
Dưới đời vua Lý Thái Tổ, năm Thuận Thiên thứ 14 (1023), đổi trấn Triều Dương thành châu Vĩnh An.
Đời vua Trần Thái Tông (năm 1242), châu Vĩnh An đổi thành lộ Hải Đông, địa bàn Hạ Long thuộc lộ Hải Đông. Đời vua Trần Nhân Tông (năm 1285), lộ Hải Đông đổi thành lộ An Bang. Đời vua Trần Thuận Tông (năm 1397), đổi lộ An Bang thành lộ phủ Tân An, địa bàn Hạ Long thuộc lộ phủ Tân An.
Thời Hồ (1400 - 1407), lộ phủ Tân An đổi thành châu Tĩnh An.
Đời vua Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 10 (1469), tên gọi Hoành Bồ chính thức được xác lập, thuộc phủ Hải Đông, thừa tuyên An Bang, có 25 xã. 2 trang (Theo Đồng Khánh Địa dư chí, tr.400).
Dưới thời Lê Trung Hưng, Hoành Bồ là một huyện của phủ Hải Đông, trấn An Quảng (sau là trấn Yên Quảng).
Dưới thời vua Gia Long (1802 - 1819), ranh giới các xứ trong cả nước được xác định lại. Hoành Bồ là một trong 3 huyện của phủ Hải Đông, gồm các tổng: Trí Xuyên, Vạn Yên, An Khoái.
Năm Minh Mạng 17 (1836), triều đình Huế quyết định bỏ châu Vân Đồn, tách phủ cũ thành 2 phủ: phủ Sơn Định và Hải Ninh (Theo Đồng Khánh Địa dư chí, tr.400). Hoành Bồ là một huyện của phủ Sơn Định có 4 tổng, gồm 26 xã thôn, phường, động.
Ngày 24/8/1891, chính quyền thực dân cắt một phần huyện Hoành Bồ cùng một số huyện khác thành lập Khu quân sự Phả Lại thuộc đạo quân sự thứ hai. Ngày 10/10/1895, Toàn quyền Đông Dương ban hành Nghị định xóa bỏ Khu quân sự Phả Lại. Phần đất của huyện Hoành Bồ trước kia bị cắt cho khu quân sự Phả Lại được trả lại cho huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Yên.
Năm 1927, khu vực trung tâm thành phố Hạ Long gồm phường Trúc Võng thuộc tổng Vạn Yên; phường Giang Võng thuộc tổng Yên Mỹ; Hà Lầm tổng Cẩm Phả, Hòn Gay và Hà Tu thuộc tổng Trí Xuyên (Ngô Vi Liễn - Tên làng xã và địa dư các tỉnh Bắc kỳ, NXB. Văn hóa Thông tin, trang 109,110). Vùng Bãi Cháy xưa gọi là Vạ Cháy, ven bờ biển và các bến bãi có nhiều nơi neo đậu của thuyền bè và xóm chài (Vạ Cháy, Cái Lân, Bến Đáy, Vựng Đâng). Năm 1928, huyện Hoành Bồ có 4 tổng Vạn Yên, Dương Huy, Trí Xuyên, Yên Mỹ, gồm 43 xã, phố.
Sau Cách mạng tháng 8/1945, Bộ truởng Bộ Nội vụ nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ban hành Nghị định ngày 19/7/1946, tạm lập tại tỉnh Quảng Yên một khu Đặc biệt (gồm châu Cẩm Phả và các thị xã Cẩm Phả Bến, Cẩm Phả Mỏ, Hà Tu, Hà Lầm, Hòn Gay, Bãi Cháy) gọi là Khu đặc biệt Hòn Gay. Khu đặc biệt có ủy ban hành chính riêng do Hội đồng nhân dân các xã thuộc châu Cẩm Phả và các thị xã bầu ra. Cách tổ chức, quyền hạn... của Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính khu đặc biệt như cách tổ chức cấp tỉnh. Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính khu đặc biệt làm việc tại thị xã Hòn Gay. Ủy ban hành chính Khu đặc biệt chịu quyền điều khiển, kiểm soát trực tiếp của ủy ban hành chính Bắc Bộ (Nguyễn Quang Ân - Việt Nam những thay đổi địa danh và địa giới hành chính 1945 - 2002, NXB Thông Tấn, HN, 2003, tr.161). Như vậy, thời điểm này, địa bàn Hạ Long thuộc 2 đơn vị hành chính là huyện Hoành Bồ và Khu đặc biệt Hòn Gay.
Theo Quyết nghị số 99/NV-QP ngày 09/7/1947 của Liên bộ Nội vụ và Quốc phòng, các phủ, huyện Kinh Môn, Nam Sách, Chí Linh, Đông Triều (thuộc tỉnh Hải Dương), Thủy Nguyên (thuộc tỉnh Kiến An) và Khu đặc biệt Hòn Gai quyền điều khiển của ủy ban hành chính tỉnh Quảng Yên.
Ngày 25/11/1947, thực hiện sắc lệnh số 265-SL của Chủ tịch Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa, tỉnh Quảng Yên (gồm cả khu vực Hòn Gai) sáp nhập vào Chiến khu 12 về mọi phương diện kháng chiến, hành chính và quân sự.
Ngày 04/11/1949, Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ban hành Sắc lệnh số 127-SL hợp nhất Liên khu 1 và Liên khu 10 thành Liên khu Việt Bắc, Đặc khu Hồng Gai thuộc Liên khu Việt Bắc.
Ngày 22/02/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 221/SL thành lập khu Hồng Quảng đặt dưới quyền lãnh đạo trực tiếp của Chính phủ Trung ương, gồm Đặc khu Hồng Gai và tỉnh Quảng Yên (trừ các huyện Sơn Động, Kinh Môn, Nam Sách, Chí Linh), địa bàn Hạ Long thuộc khu Hồng Quảng.
Ngày 30/10/1963, Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa khóa II, kỳ họp thứ VII, phê chuẩn hợp nhất khu Hồng Quảng và tỉnh Hải Ninh thành một đơn vị hành chính mới lấy tên tỉnh Quảng Ninh. Huyện Hoành Bồ và thị xã Hồng Gai thuộc tỉnh Quảng Ninh.
Ngày 10/9/1981, Hội đồng Bộ Trưởng ban hành Quyết định số 63-HĐBT phân vạch lại địa giới một số xã, phường và thị trấn của thị xã Hồng Gai: Giải thể thị trấn Hà Tu để thành lập 2 phường lấy tên là phường Hà Tu và phường Hà Phong; Giải thể thị trấn Hà Lầm để thành lập 3 phường là Hà Lầm, Hà Trung, Hà Khánh; Giải thể thị trấn Cột 5 để thành lập 2 phường là Hồng Hà, Hồng Hải; Giải thể thị trấn Cao Thắng để thành lập 2 phường là Cao Thắng, Cao Xanh; Giải thể thị trấn Giếng Đáy để thành lập 2 phường là Giếng Đáy, Hà Khẩu; Giải thể thị trấn Bãi Cháy để thành lập phường Bãi Cháy. Sau khi phân vạch lại địa giới, thị xã Hồng Gai gồm 16 phường: Bạch Đằng, Hạ Long, Trần Hưng Đạo, Yết Kiêu, Hà Phong, Hà Tu, Hà Trung, Hà Lầm, Hà Khánh, Hồng Hà, Hồng Hải, Cao Thắng, Cao Xanh, Giếng Đáy, Hà Khẩu, Bãi Cháy và 3 xã: Thành Công, Hùng Thắng, Tuần Châu.
Ngày 27 tháng 12 năm 1993, Chính phủ bàn hành Nghị định số 102-CP, thành lập thành phố Hạ Long trên cơ sở toàn bộ diện tích và dân số của thị xã Hồng Gai.
Ngày 26/9/2003, thành phố Hạ Long được công nhận là Đô thị loại II, dần khẳng định sự phát triển mạnh mẽ của thành phố trong tiến trình xây dựng và phát triển.
Ngày 10 tháng 10 năm 2013, Chính phủ ban hành Quyết định số 1838/QĐ-TTg công nhận thành phố Hạ Long là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Quảng Ninh. Đến cuối năm 2018, thành phố Hạ Long có 20 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm 20 phường: Bạch Đằng, Bãi Cháy, Cao Xanh, Cao Thắng, Đại Yên, Giếng Đáy, Hà Khánh, Hà Khẩu, Hà Lầm, Hà Phong, Hà Trung, Hà Tu, Hồng Gai, Hồng Hà, Hồng Hải, Hùng Thắng, Trần Hưng Đạo, Tuần Châu, Việt Hưng, Yết Kiêu.
Ngày 17 tháng 12 năm 2019, Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 837/NQ-UBTVQH14 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh Quảng Ninh (nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2020. Theo đó: Sáp nhập toàn bộ 843,54 km² diện tích tự nhiên và 51.003 người của huyện Hoành Bồ (gồm thị trấn Trới và 12 xã: Bằng Cả, Dân Chủ, Đồng Lâm, Đồng Sơn, Hòa Bình, Kỳ Thượng, Lê Lợi, Quảng La, Sơn Dương, Tân Dân, Thống Nhất, Vũ Oai) vào thành phố Hạ Long. Thành lập phường Hoành Bồ thuộc thành phố Hạ Long trên cơ sở toàn bộ diện tích và dân số của thị trấn Trới. Thành phố Hạ Long có 21 phường và 12 xã như hiện nay.
9. Danh Lam Thắng cảnh và Di tích văn hóa lịch sử
Hiện nay, trên địa bàn Thành phố có 95 di tích; Trong đó có 01 di tích xếp hạng cấp Quốc gia đặc biệt, 06 di tích xếp hạng cấp Quốc gia, 14 di tích xếp hạng cấp Tỉnh và 74 di tích đã kiểm kê phân loại chưa xếp hạng.
- 01 di tích xếp hạng cấp Quốc gia đặc biệt: Danh lam thắng cảnh Vịnh Hạ Long: Khu vực được UNESCO công nhận bao gồm 775 hòn đảo, trong đó có 411 hòn đảo đã được đặt tên. Được giới hạn bởi ba điểm: đảo Đầu Gỗ (phía Tây), đảo Đầu Bê (phía Nam), đảo Cống Tây (phía Đông).
- 06 di tích xếp hạng cấp Quốc gia: Khu di tích lịch sử và thắng cảnh núi Bài Thơ (Bia khắc trên núi, chùa Long Tiên, đền Đức Ông); Trận địa pháo 37 ly của Xí nghiệp tuyển than Hòn Gai; Di tích thắng cảnh hồ Yên Lập - chùa Lôi Âm; Trung tâm Điện chính Bưu điện Quảng Ninh (1964 - 1975) trên núi Bài Thơ; Di tích khảo cổ Hòn Hai Cô TiêN; Danh lam thắng cảnh núi Mằn (Gồm: Núi Mằn, đền Bạch Thạch; các miếu: Thánh Mẫu, Ông Loang, Ông Dài, Ông Cộc; đình Xích Thổ; di chỉ thành nhà Mạc).
- 14 di tích xếp hạng cấp Tỉnh: Đình, nghè Vạn Yên; Khu lưu niệm Bác Hồ trên đảo Tuần Châu; Đình Lộ Phong; Đình Giang Võng; Lưu niệm sự kiện thành lập Binh đoàn than; Chùa Yên Mỹ; Đền thờ vua Lê Thái Tổ; Khu căn cứ cách mạng Sơn Dương; Khu căn cứ kháng chiến chống Pháp Bằng Cả; Đình Trới; Đền thờ Anh Nghị Đại Vương - Tiến sỹ Vũ Phi Hổ; Chùa Thanh Vân; Hang Hà Lùng; Địa điểm lưu niệm trụ sở Công ty Pháp mỏ than Bắc kỳ - Công ty khai thác than đầu tiên tại Việt Nam.
- 74 di tích đã kiểm kê phân loại chưa xếp hạng: Đền Quan Sơn; Di tích lưu niệm Bác Hồ; Đền Cái Lân (đền Cái Lân thượng); Di chỉ khảo cổ Cái Dăm; Nhà thờ Hồng Gai; Nơi diễn ra vụ thảm sát Lán Bè; Đền Đôi Cây; Miếu An Tiêm…(Có danh mục và thông tin cụ thể kèm theo tại chuyên mục “Di tích văn hóa - Lịch sử).
10. Tôn giáo và Lễ hội
Thành phố Hạ Long có 4 tôn giáo lớn: Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Cao Đài. Phật giáo có khoảng trên 14.350 phật tử, công giáo khoảng 4.500 giáo dân.
Hiện nay, trên địa bàn thành phố hiện có 10 lễ hội truyền thống, 01 lễ hội tôn giáo, và một số lễ hội thuộc loại hình khác như lễ hội thuộc loại hình phong tục tập quán, lễ hội hiện văn hóa đại như: Chương trình nghệ thuật hưởng ứng tuần lễ du lịch Hạ Long, lễ hội Carnavar mùa đông. Các lễ hội văn hóa, thể thao, du lịch đã tạo ra sự đột phá tuyên truyền quảng bá những tiềm năng thế mạnh, thành tựu kinh tế xã hội của địa phương, góp phần quảng bá hình ảnh và đất nước con người Hạ Long nói riêng và Quảng Ninh nói chung, tôn vinh các giá trị văn hóa, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong văn hóa du lịch, tạo dấu ấn với du khách trong nước và quốc tế.
11. Ẩm thực
Ẩm thực là một trong những yếu tố đặc trưng của thành phố Hạ Long. Các món ăn ở đây chủ yếu được chế biến từ hải sản nhưng theo những phương pháp truyền thống của dân miền biển và bằng những loài hải sản độc đáo. Ví dụ như ngán là một loài nhuyễn thể chỉ sống ở Quảng Ninh. Ngán rất bổ dưỡng và chế biến được nhiều món ăn ngon khác nhau như ngán luộc, ngán nướng, gỏi ngán, cháo ngán, bún ngán. Mỗi món ngán được chế biến theo những cách khác nhau lại có hương vị riêng.
Ngoài ra còn rất nhiều đặc sản khác mà du khách không thể bỏ qua khi đến Hạ Long như: chả mực (ăn với xôi, bánh cuốn), canh hà, cà sáy (cà sáy là con vịt lai ngan), sam, sò huyết, ruốc (một loài thuộc họ bạch tuộc), tu hài, bề bề, sá sùng, cù kỳ (cù kỳ là một loại cua biển có hai càng rất to, chân có nhiều lông, thịt chắc và rất thơm), ghẹ, hàu, mực...
12. Du lịch
12.1. Về hạ tầng du lịch
Thành phố Hạ Long hiện có trên 670 cơ sở lưu trú du lịch các loại (trong đó 7 khách sạn 5 sao; 15 khách sạn 4 sao; 26, khách sạn 3 sao; 34 khách sạn 2 sao; 27 khách sạn 1 sao; 86 khách sạn đạt tiêu chuẩn; 425 nhà nghỉ; 50 Nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê); 86 khách sạn đạt tiêu chuẩn; trên 425 nhà nghỉ; 50 nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê), với trên 18.000 phòng; có 504 tàu du lịch, trong đó 187 tàu lưu trú và 317 tàu tham quan; 5 bãi tắm đạt tiêu chuẩn; Thành phố có 5 tuyến du lịch trên bờ và 5 tuyến du lịch dưới Vịnh với 37 điểm du lịch được UBND tỉnh công nhận. Hạ Long có hệ thống nhà hàng phục vụ ăn uống, các trung tâm thương mại, điểm mua sắm đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch với nhiều hàng hóa chất lượng… đảm bảo phục vụ được nhu cầu đa dạng của các đối tượng khách du lịch.
12.2. Điểm du lịch
Du khách tham quan Thành phố Hạ Long với điểm nhấn trọng tâm là di sản thiên nhiên của thế giới Vịnh Hạ Long, trải nghiệm các điểm du lịch đặc sắc trên Vịnh Hạ Long như khám phá hang Bồ Nâu - Sửng Sốt; Hang Luồn; Trinh Nữ; Lạch Đầu Xuôi, Cống Đỏ, Hồ Ba Hầm với các dịch vụ hấp dẫn như: tắm biển, leo núi ngắm cảnh ở Ti Tốp; du lịch sinh thái ở Soi Sim; du lịch văn hóa ở Cửa Vạn, hang Tiên Ông, động Mê Cung; chèo kayak, chèo mủng ở hang Luồn. Hoặc khám phá các khu vực du lịch sinh thái phía bắc Thành phố (thuộc địa phận Huyện Hoành Bồ cũ) như tham quan Khu Bảo tồn Thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng; Núi Đá Chồng...
Nhiều nhà đầu tư chiến lược như các Tập đoàn: Vin Group, Sun Group, FLC, Tuần Châu, Bim group… thực hiện các dự án quy mô lớn, góp phần tạo ra những sản phẩm du lịch mới, hiện đại, đẳng cấp quốc tế trên địa bàn thành phố như: Bệnh viện Vinmec; khu dịch vụ cao cấp Bến Đoan, Vincom Hạ Long; Quần thể sân golf 18 lỗ và du lịch nghỉ dưỡng FLC Hạ Long; Sân Golf Tuần Châu; Công viên Đại Dương, khu nghỉ dưỡng cao cấp Vinpearl Hạ Long; Cảng tàu du lịch quốc tế Tuần Châu, Cảng Quốc tế Hạ Long, Cầu Tình yêu, đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả, các khu phố đi bộ, chợ đêm, thuỷ phi cơ, chèo thuyền Kayak, các du thuyền nghỉ đêm trên vịnh Hạ Long…
Hang Luồn
Khu du lịch quốc tế Tuần Châu nằm trong khu du lịch Hạ Long được thiên nhiên ban tặng những cảnh đẹp tuyệt vời. Đảo Tuần Châu có bãi biển trong xanh, bờ cát trắng kéo dài 6km. Tại đây du khách sẽ thưởng thức nhạc nước với ánh sáng Laser màu hoành tráng; show biểu diễn Sư Tử biển, cá Heo, cá Sấu...
Khu Bảo Tồn Thiên Nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng là ngôi nhà chung của nhiều loài động thực vật quý hiếm. Khu bảo tồn còn mang giá trị cảnh quan đặc sắc. Những cánh rừng hoang sơ. Đan xen là hàng trăm con suối lớn nhỏ. Rừng và nước tạo thành một bức tranh hữu tình.
Quần thể du lịch giải trí Sun World Ha Long tổ hợp công viên vui chơi giải trí mang đẳng cấp quốc tế trải rộng trên diện tích 214ha, bao gồm 2 khu vực chính: Tổ hợp vui chơi ven biển và tổ hợp vui chơi trên đỉnh Ba Đèo - được kết nối với nhau bởi hệ thống cáp treo độc đáo. Là sản phẩm của Tập đoàn Sun Group, một trong những doanh nghiệp hàng đầu về đầu tư và xây dựng các khu vui chơi nghỉ dưỡng với những công trình nổi tiếng như Sun World Ba Na Hills, Asia Park- Công viên Châu Á, Sun World Fansipan Legend… Tiềm năng sẽ trở thành điểm vui chơi lý tưởng và đẳng cấp hàng đầu Việt Nam.
Vòng quay mặt trời thuộc Quần thể du lịch giải trí Sun World Ha Long
Các khu siêu thị, trung tâm mua sắm như Go, MeTro, Vincom Center Hạ Long… đến đây du khách có thể thỏa thích mua sắm cùng nhiều nhãn hiệu thời trang lớn, quy tụ hàng chục nhà hàng nổi tiếng với đầy đủ hương vị từ đồ truyền thống của Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan cho tới Châu Âu, Châu Úc và có cơ hội trải nghiệm cảm giác mới lạ tại sàn trượt băng tự nhiên, cũng như khám phá nhiều sân chơi mới mẻ tại trung tâm vui chơi giáo dục dành cho trẻ em. Hoặc du khách tham quan và mua sắm ở chợ Hạ Long I, Hạ Long II, Trung tâm thương mại Bãi Cháy, chợ đêm tại Trung tâm thương mại Marine Plaza (phường Hùng Thắng)…