Vĩnh Phúc cách Hà Nội hơn 60km, du khách có thể di chuyển bằng ôtô, xe buýt, xe khách, taxi hoặc xe máy. Chọn xe khách, bạn xuất phát từ bến xe Mỹ Đình, giá vé khoảng 60.000-80.000 đồng. Thời gian đi lại khoảng 1,5 tiếng, nhưng có thể lâu hơn nếu xe dừng đón, trả khách dọc đường.
Xe máy hoặc ôtô là phương tiện thuận tiện. Từ trung tâm Hà Nội bạn đi theo lối đường cao tốc Thăng Long - Nội Bài (gần 20km), gặp quốc lộ 2 đi về hướng Tây - Tây Bắc khoảng 26km nữa là đến địa phận Vĩnh Phúc.
Nếu lựa chọn Vĩnh Phúc là nơi nghỉ dưỡng, đừng bỏ qua những địa điểm sau:
Tam Đảo - "Đà Lạt của miền Bắc"
Tam Đảo từ lâu đã được biết đến như một thiên đường nghỉ dưỡng với khí hậu mát mẻ và phong cảnh tuyệt đẹp. Tọa lạc ở độ cao gần 1.000m so với mực nước biển, thị trấn nhỏ này mang đến trải nghiệm đặc biệt khi thời tiết thay đổi đủ bốn mùa trong một ngày.
Những điểm tham quan nổi tiếng tại đây bao gồm Quảng trường Tam Đảo, Nhà thờ đá, tháp Truyền hình, Thác Bạc và Đền Bà Chúa Thượng Ngàn.
Ngoài ra, các quán cà phê như Rock Cafe hay quán Gió cũng là những nơi lý tưởng để ngắm toàn cảnh thị trấn trong làn sương mờ. Đặc biệt, các món đặc sản như lẩu cá tầm, gà nướng, ngọn su su và xiên nướng là những trải nghiệm ẩm thực không thể bỏ qua.
Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên
Nằm tựa lưng vào rừng thông và hướng mặt ra cánh đồng lúa bát ngát, Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên là một trong ba thiền viện lớn nhất Việt Nam. Đây là điểm đến lý tưởng cho những ai muốn tìm kiếm sự thanh tịnh và hòa mình vào cảnh sắc thiên nhiên hữu tình.
Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên được xây dựng mới trên chính nền tảng của Thiên Ân thiền tự cổ, có lối kiến trúc mang dấu ấn của một ngôi chùa Việt. Bạn phải leo qua hàng trăm bậc đá mới đến được cổng tam quan, sau đó mới vào được chùa.
Thiền viện có tòa Đại Hùng Bửu Điện - là tòa chính điện nằm ở trung tâm, cao 17m, diện tích 675m2, có sức chứa 600 người. Đây là nơi dành cho Phật tử và khách hành hương chiêm bái hoặc nghe giảng về Phật pháp.
Du khách có thể chọn đi bộ khoảng 4km để cảm nhận trọn vẹn vẻ đẹp của khu vực này hoặc di chuyển bằng cáp treo.
Hồ Đại Lải
Hồ Đại Lải nằm trên địa bàn Ngọc Thanh và Đồng Xuân của thị xã Phúc Yên, Vĩnh Phúc. Hồ Đại Lải là hồ nước nhân tạo có diện tích khoảng 5,25 km2, với cảnh quan hùng vĩ được bao bọc bởi những dãy núi Tam Đảo, hồ mang đến không gian thư giãn lý tưởng.
Du khách có thể tham quan các địa điểm nổi tiếng như đảo Chim, khu du lịch Flamingo Đại Lải, hoặc tham gia chuỗi đêm nhạc "Soul of Forest" vào cuối tuần với sự góp mặt của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng. Đây là nơi lý tưởng cho những ai muốn tạm rời xa nhịp sống ồn ào để tận hưởng sự yên bình.
Làng gốm Hương Canh
Làng gốm Hương Canh (Bình Xuyên) là một trong những làng nghề truyền thống lâu đời với hơn 300 năm lịch sử. Gốm sành Hương Canh nổi bật không chỉ bởi chất lượng mà còn bởi âm thanh đặc trưng khi gõ vào, phát ra tiếng vang như kim loại.
Dù gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì nghề, các nghệ nhân nơi đây vẫn không ngừng sáng tạo, đưa gốm Hương Canh trở thành một phần không thể thiếu của đời sống hiện đại. Đây là điểm đến không thể bỏ qua cho những ai yêu thích tìm hiểu văn hóa địa phương.
Chùa Hà Tiên
Được xây dựng từ năm 1703, chùa Hà Tiên không chỉ là nơi thờ tự linh thiêng mà còn là điểm đến văn hóa đặc sắc. Ngôi chùa này nổi tiếng với giếng Ngọc cổ xưa, nơi cung cấp nguồn nước không bao giờ cạn.
Hàng năm, du khách thường đến xin nước giếng Ngọc vào dịp lễ Tết để cầu may mắn. Với không gian yên bình, chùa Hà Tiên là địa điểm lý tưởng cho những ai muốn tìm kiếm sự thanh thản trong tâm hồn.
Nhờ lợi thế và tiềm năng sẵn có, cùng với việc nâng cao chất lượng dịch vụ, các ngành chức năng và chính quyền địa phương đã tích cực đổi mới. Các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc cũng tham gia đa dạng hóa các hình thức quảng bá, xúc tiến du lịch.
Đồng thời, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và khai thác các nền tảng số cũng được chú trọng. Các video quảng bá du lịch được đăng tải trên các mạng xã hội và báo chí trung ương, địa phương, góp phần thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế.
Nhờ đó, 9 tháng đầu năm, toàn tỉnh Vĩnh Phúc đón hơn 8,7 triệu lượt khách du lịch, tăng gần 14% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 82,3% kế hoạch năm đề ra; tổng doanh thu du lịch đạt hơn 3.200 tỷ đồng, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt hơn 80% kế hoạch năm; công suất sử dụng phòng bình quân đạt từ 50-55%.
Phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và hiện thực hóa các chỉ tiêu trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu này nhằm đưa Vĩnh Phúc trở thành một trong những trung tâm du lịch của vùng và cả nước.
Thời gian tới, các ngành chức năng sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả công tác quảng bá và xúc tiến du lịch, đặc biệt trên nền tảng số. Đồng thời, sẽ hoàn thiện cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng phục vụ và đẩy mạnh liên kết du lịch với các địa phương trong cả nước.